Ông Dương Đức Đằng, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: "Đến ngày 7-4, đã có 78/187 hộ chấp thuận phương án bồi thường của Hội đồng GPMB với tổng số tiền chi trả là trên 8,3 tỷ đồng. Để nhà thầu thi công thuận lợi, đến nay thị xã Tam Điệp đã phối hợp với ngành liên quan cơ bản hoàn thành việc di dời đường điện, nước, thông tin, các công trình công cộng. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc bảo vệ thi công trên phần đất Nhà nước đã giao cho nhà thầu, ngày 3-4, thị xã Tam Điệp đã tổ chức bảo vệ thi công thành công, trong quá trình thi công không gặp sự phản đối của nhân dân.
Quá trình thi công đến nay thuận lợi, nhà thầu đã tập trung máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công để nhanh chóng hoàn thành các hạng mục công trình theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, việc thi công cũng đã được UBND thị xã, các ngành chức năng của tỉnh, chủ đầu tư, đơn vị thi công chuẩn bị khá chu đáo trong việc phân luồng giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thời gian thi công để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Như vậy, bước đầu ghi nhận sự chuyển biến trong ý thức của người dân, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên ở 2 phường Nam Sơn, Tây Sơn. Đây là những tín hiệu khả quan cho thấy "hướng đi" của UBND thị xã Tam Điệp, Hội đồng GPMB trong việc tính toán, áp dụng các chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB đã hợp với lòng dân.
Đánh giá về tiến độ GPMB Tiểu dự án Nút giao giữa đường sắt Bắc- Nam và Quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Tam Điệp, UBND tỉnh đã kết luận: Thực hiện Thông báo số 16/TB-UBND của UBND tỉnh, thị xã Tam Điệp đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác GPMB Tiểu dự án Nút giao giữa đường sắt Bắc- Nam và Quốc lộ 1A, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã có những kết quả rõ nét, tư tưởng nhân dân chuyển biến, các cấp, các ngành, Tổ công tác của tỉnh, UBND thị xã Tam Điệp, các tổ chức chính trị- xã hội đoàn thể...đã thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Trên cơ sở các ý kiến của nhân dân, Tổ công tác của tỉnh, UBND thị xã Tam Điệp, Hội đồng GPMB đã rà soát các thủ tục, chính sách, biên soạn bộ tài liệu để trả lời, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức họp và đối thoại, giải đáp những thắc mắc cho nhân dân...
Những kết quả đạt được trong GPMB Tiểu dự án Nút giao giữa đường sắt Bắc- Nam và Quốc lộ 1A, tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã gỡ dần những "nút thắt", tạo điều kiện cho dự án được tiếp tục thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Tuy nhiên, một số hộ vẫn yêu sách với lý do Nhà nước làm cầu vượt nên đất đai, tài sản trên đất bị giảm giá, đề nghị đền bù thiệt hại này và đền bù toàn bộ diện tích đất hiện nay mà các hộ đang sử dụng vì các hộ hàng năm phải đóng thuế đất phi nông nghiệp (đất lưu không đường). Đồng thời, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống trong thời gian thi công cầu vượt, đền bù cả kinh phí do việc xây dựng cầu vượt làm hạn chế khả năng sử dụng đất, buôn bán. Thậm chí, một số hộ còn đề nghị Nhà nước đền bù toàn bộ diện tích đất còn lại do dự án không lấy hết.
Về vấn đề này, ông Dương Đức Đằng cũng cho biết: Phần lớn số hộ nằm trong diện GPMB tiểu dự án này là các trường hợp lấn chiếm đất lưu không hành lang đường bộ. Vào năm 1982, khi thị xã Tam Điệp được thành lập, toàn bộ diện tích này đã nằm trong quy hoạch lưu không đường bộ. Song do thiếu kinh phí, việc mở rộng đường chưa triển khai, một số hộ dân ở đây đã lấn chiếm để kinh doanh cho nên diện tích này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số hộ dân có ý kiến muốn Nhà nước làm đường gom dân sinh trước khi thi công cầu vượt là không hợp lý, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự đi lại của các phương tiện giao thông. Tổ chức thi công, xác định trình tự thi công là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và đang tổ chức thi công trên phần diện tích đã GPMB do Nhà nước quản lý là đúng quy định. Mặt khác, các chính sách hiện hành của Nhà nước không quy định khi Nhà nước đầu tư thực hiện dự án làm cho giá trị đất, tài sản trên đất của khu vực giảm đi thì Nhà nước đền bù phần giá trị giảm đó, cho nên kiến nghị này không đủ cơ sở để xem xét.
Việc đề nghị Nhà nước phải đền bù toàn bộ diện tích hiện nay các hộ đang sử dụng vì hàng năm các hộ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng không có căn cứ để giải quyết vì theo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tại Điều 7, khoản 7 quy định: "Đất lấn chiếm áp dụng mức thuế suất 0,2% và không áp dụng hạn mức. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích đất lấn chiếm". Như vậy, các hộ đang sử dụng đất lấn chiếm, đất không hợp pháp khác làm nhà ở, sản xuất, kinh doanh thì nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Để hoàn thành tiến độ GPMB Tiểu dự án Nút giao giữa đường sắt Bắc- Nam và Quốc lộ 1A, tỉnh Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, Hội đồng GPMB đã tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây tại 2 phường Tây Sơn và Nam Sơn. Tổ chức 9 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo thị xã phụ trách đến từng hộ gia đình để vận động, thuyết phục nhân dân, lắng nghe các ý kiến của các hộ dân để phản ánh đến Hội đồng GPMB thị xã.
Thị xã Tam Điệp cũng duy trì chế độ giao ban theo ngày để Tổ công tác của tỉnh nắm bắt tiến độ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của nhân dân. Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành rà soát lại quy trình, phương pháp, chính sách, chế độ thực hiện công tác GPMB dự án nhằm đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng luật, đúng trình tự, đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của dân nhưng không nằm ngoài quy định của nhà nước, không để nhân dân bị thiệt thòi, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm