Tổng diện tích đất tự nhiên của xã gồm 647 ha, trong đó diện tích núi chiếm trên 20 ha, đất nông nghiệp chiếm 340 ha. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân trong xã đã khắc phục những trở ngại về địa hình, tích cực lao động sản xuất, tạo ra năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng cao. Trong 340 ha đất canh tác của xã, đất màu chỉ có 12 ha, đất 1 lúa có 7 ha, còn lại chủ yếu là đất 2 lúa + vụ đông.
Trên thực tế, Ninh Giang là địa phương cũng có nhiều yếu tố thuận lợi trong giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội như có Quốc lộ 1A chạy qua và được bao bọc bởi dòng sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Chanh… Thế nhưng người dân ở đây chưa phát huy được lợi thế, chưa mạnh dạn trong việc đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế. Mặc dù có trên 20 ha diện tích mặt nước ở các vùng trũng, quanh đê Hoàng Long, sông Chanh nhưng việc nuôi trồng thủy sản chỉ mang tích chất quảng canh, chưa có sự đầu tư thỏa đáng vào các con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như cá, tôm. Trong chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm phát triển nhỏ lẻ theo hộ gia đình, chủ yếu vẫn là gà, lợn, trâu, bò. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, buôn bán, xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm, đan lát, làm thảm cói... xuất hiện manh mún, tự phát, chưa được chú trọng, đẩy mạnh.
Từ năm 2003 đến nay, xã đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp dạy nghề như thêu ren, móc len xuất khẩu, may công nghiệp, song các nghề trụ lại trong dân rất ít, toàn xã có vài chục người tham gia làm hàng thêu ren, gần 200 lao động làm hàng móc len, may xuất khẩu… Hiện nay, toàn xã có 3.416 lao động trong độ tuổi, chiếm 49,7% trong tổng số nhân khẩu. Theo ước tính, hàng năm toàn xã có khoảng 800 người tham gia lao động thời vụ ở các doanh nghiệp, nhà máy trong Khu công nghiệp Gián Khẩu, trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, số lao động nông nhàn cao.
Để thực hiện công tác giảm nghèo, Ninh Giang cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Về trồng trọt, khi mà năng suất cây lúa đã gần đạt ở ngưỡng kịch trần thì không thể chỉ gieo trồng những giống Tạp Giao, Khang Dân mà cần phải tính đến những giống lúa cao sản, dòng lúa thơm, vừa đảm bảo được an ninh lương thực, vừa nâng cao giá trị thu nhập. Ngoài việc tập trung tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ vật tư nông nghiệp, phân bón, giống, UBND xã, các HTX cũng cần tổ chức cho nông dân, xã viên đi tham quan những mô hình tiêu biểu, vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư đưa các giống cây mới vào gieo trồng, không ngừng mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất hai lúa, tăng hệ số sử dụng đất và tạo ra được những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh hiệu quả như ớt xuất khẩu, ngô ngọt... Về chăn nuôi, xã nên có cơ chế khuyến khích các hộ, nhóm hộ đầu tư vào các mô hình con nuôi đặc sản; tận dụng diện tích ao hồ, sông, chuyển đổi những diện tích hoang hóa, diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. UBND xã, các HTX, các tổ chức đoàn thể cần tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, nhà máy du nhập, tìm tòi, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các ngành nghề khác như thêu ren, đan lát, vận tải… nhằm giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 10,3% (201 hộ), trong đó có khoảng 1/3 nghèo do thiếu vốn sản xuất và 1/3 nghèo do không biết làm ăn, xã cần giao cho các tổ chức hội, đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh... đứng ra giúp đỡ như tín chấp vay vốn, tạo mọi điều kiện, hướng dẫn cách làm ăn, tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hoàng Tâm