Là một xã thuần nông, nguồn thu nhập chính của nhân dân địa phương đều từ nông nghiệp, vì vậy nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu. Xã đã tập trung chỉ đạo hợp tác xã, các đoàn thể tập huấn cho cán bộ, nhân dân địa phương về tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao trình độ thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành ổn định và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất.
Từ năm 2004, xã Chất Bình đã đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất và bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2006-2007. Đến nay, lúa chất lượng cao đã trở thành một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm chỉ đạo để mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, đồng chí Trần Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiệu quả kinh tế của lúa chất lượng cao cao hơn giống lúa khác từ 1,5-1,6 lần. Không những thế, lúa chất lượng cao còn góp phần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất tự túc sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, góp phần cải thiện đời sống, cũng như thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Theo thống kê tuy sản lượng lương thực cả năm 2011 chỉ đạt 4.306 tấn, so với năm 2010 giảm 2,8% (nguyên nhân do đợt mưa kéo dài vào thời kỳ lúa đang trỗ bông) nhưng giá trị thu nhập vẫn đạt 86 triệu/ha/năm, tăng 3,6% so với năm 2010. Vì vậy đời sống của nông dân địa phương được cải thiện.
Trong chăn nuôi, do làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nên thời gian qua trên địa bàn toàn xã không có dịch bệnh xảy ra, bà con nông dân yên tâm đầu tư phát triển mở rộng các mô hình trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ. Theo số liệu thống kê trong năm qua, xã Chất Bình đã duy trì đàn trâu, bò cày kéo là 70 con, đàn lợn xuất chuồng là 2.530 con, gia cầm và cá nước ngọt đạt 70 tấn (đạt chỉ tiêu đề ra). Đặc biệt bà con nông dân tiếp tục duy trì hiệu quả 9,1 ha mô hình cá, tôm xen lúa, thu hoạch cả năm đạt bình quân 90-95 triệu đồng/ha. Về trồng trọt, toàn xã hiện có 30,7 ha vườn tạp trong dân được dùng để trồng rau màu và cây ăn quả phục vụ cho sinh hoạt gia đình và một phần cung cấp cho thị trường. Mức thu từ vườn tạp trong năm đạt 1.060 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra 10,6%. Bên cạnh đó, cùng với chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, xã còn vận động bà con tham gia làm các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp để tạo thêm thu nhập lúc nông nhàn. Hiện cả xã có 521 hộ làm nghề đan lát, dệt chiếu; 12 hộ làm nghề cơ khí… Năm 2011, nguồn thu từ tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của cả xã đạt 14 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2010.
Năm 2012, xã phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10-12%. Trong đó giải pháp chủ yếu được đưa ra là tạo chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu giống lúa ở cả 2 vụ lúa xuân và vụ mùa, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, vùng trồng cây vụ đông, vùng trồng lúa chất lượng cao, tạo điều kiện thâm canh tăng năng suất, đồng thời duy trì và phát triển các ngành nghề sẵn có ở địa phương như đan lát, làm mộc, xây dựng…
Đào Duy