Thực trạng đáng lo ngại
Cách đây chưa lâu, dư luận cả nước rất bức xúc trước đối tượng Lê Văn Luyện, ở Lục Nam (Bắc Giang) đã ra tay sát hại một gia đình kinh doanh vàng bạc, làm 3 người chết, 1 người bị thương, cướp đi mấy chục cây vàng.
Tại Ninh Bình, vào đêm Noel năm 2009 cũng đã xảy ra vụ giết người, cướp tài sản. Thủ phạm vụ án là Trần Mậu Huy, sinh năm 1992 ở xã Gia Thanh (Gia Viễn). Khi bị bắt, Huy khai nhận do không có tiền đi chơi cùng bạn bè nên hắn đã nảy sinh ý định đi cướp xe.
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử vụ án "giết người" xảy ra tại huyện Kim Sơn vào tháng 5-2010, các bị cáo đều ở tuổi vị thành niên.
Theo báo cáo của ngành chức năng, từ tháng 1-1998 đến hết năm 2009 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 890 vụ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, với 1.521 đối tượng. Trong đó giết người 10 vụ, 11 đối tượng; cướp tài sản 19 vụ, 41 đối tượng; hiếp dâm, cưỡng dâm 17 vụ, 21 đối tượng; trộm cắp 520 vụ, 795 đối tượng; gây rối trật tự công cộng 69 vụ, 175 đối tượng… Phân tích đối tượng phạm tội, dưới 14 tuổi có 98 em, từ 14 đến dưới 16 tuổi có 565 đối tượng, từ 16 đến dưới 18 tuổi có 858 đối tượng. Trong đó có 247 đối tượng đã bỏ học, 341 đối tượng vi phạm từ 2 lần trở lên. Cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 125 vụ, 187 bị can; xử lý hành chính 765 vụ, 1.334 đối tượng.
Theo dõi qua từng năm có thể thấy đối tượng vi phạm không chỉ tập trung ở thành phố, thị xã, mà đã lan rộng ra các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm, mang tính côn đồ. Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các gia đình, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục suy nghĩ, có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa tiến tới giảm số vụ vi phạm pháp luật liên quan tới tuổi vị thành niên.
Làm gì để ngăn chặn tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên có nhiều, song trước hết là do đối tượng thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, nhiễm thói ăn chơi, đua đòi, lười lao động cộng với nhận thức pháp luật kém. Bà Vũ Thị Tần, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng trong xã hội ngày nay, lớp trẻ có rất nhiều điều kiện tiếp cận với cái mới, nhưng do trẻ người non dạ, nhiều khi các cháu không phân biệt được cái mới tích cực cũng như mặt trái của nó. Nhiều cháu ham chơi sa đà vào game, internet, tệ nạn xã hội rồi bỏ nhà đi lang thang, trong khi đó nhận thức và ứng xử của cha mẹ lại không theo kịp, dẫn tới bất lực, thả nổi hoặc cấm đoán trẻ một cách cứng nhắc, khiến trẻ không muốn chia sẻ suy nghĩ, băn khoăn cùng cha mẹ. Một số gia đình có điều kiện thì chiều chuộng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu không cần thiết của con trẻ, dẫn tới lối sống ích kỷ, thiếu quan tâm tới mọi người xung quanh. Có những gia đình cha mẹ mải làm ăn, buôn bán không phát hiện ra những thay đổi về tâm lý, sinh hoạt của con cái, để con bỏ học sớm, tới khi chúng phạm tội mới biết… Để góp phần giảm tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, Hội LHPN tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các bà mẹ trong việc nuôi dạy con như: biên soạn tài liệu giáo dục con ở tuổi vị thành niên chuyển xuống các chi hội làm cẩm nang sinh hoạt hội; thành lập và duy trì sinh hoạt của các câu lạc bộ làm cha, làm mẹ để các thành viên nhận thức rõ hơn vai trò của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; phối hợp với lực lượng công an tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hưởng ứng các đợt ra quân phòng, chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên về hiểm họa ma túy, mại dâm đối với tổ ấm gia đình…
Ở góc độ nhà trường, công tác phòng, chống tội phạm ở tuổi vị thành niên cũng đã được ngành Giáo dục hết sức coi trọng, hàng năm ngành đều phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an xây dựng kế hoạch, tổ chức cho các trường ký cam kết không để học sinh vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các nhà trường và lực lượng Công an địa phương trong việc giám sát, phát hiện học sinh hư. Tùy theo mức độ vi phạm mà các trường và lực lượng Công an có hình thức xử lý phù hợp, từ nhắc nhở, cảnh cáo toàn trường, mời phụ huynh đến thông báo tình hình; hạ bậc hạnh kiểm đến đưa ra xã, phường xử lý hành chính; lập hồ sơ đưa đi trường giáo dưỡng; truy tố trước pháp luật… Tuy nhiên, nhiều thầy, cô giáo cho rằng việc quản lý học sinh chỉ thực hiện được trong thời gian học tại trường, sau mỗi buổi học, các em tham gia rất nhiều hoạt động ngoài xã hội khác, vì vậy rất cần có sự quan tâm phối hợp của gia đình, chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội.
Với phương châm lấy "xây" để "chống", thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực như: Thường xuyên phát động các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường; chú trọng tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật cho học sinh; phối hợp với các cấp bộ Đoàn tổ chức các chương trình giao lưu "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ", "Học làm người có ích", tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình hành động vì môi trường, an toàn giao thông, từ thiện nhân đạo… nhằm khơi dậy nhiệt huyết của tuổi trẻ, hướng các em tới những hoạt động lành mạnh, biết nuôi dưỡng ước mơ, biết sống vì cộng đồng.
Đề xuất ở góc độ gia đình, bà Vũ thị Tần nêu ý kiến: ở lứa tuổi vị thành niên, tâm lý của trẻ diễn biến rất phức tạp, vì vậy cha mẹ phải thường xuyên gần gũi, trò chuyện để trở thành người bạn của con, hiểu suy nghĩ, mong muốn của chúng; khéo léo tìm hiểu các mối quan hệ bạn bè của con, giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường để nắm được lịch học, tình hình học tập của con để có biện pháp quản lý, uốn nắn, định hướng phù hợp. Với những trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như: cha mẹ ly hôn, mồ côi, gia đình hay xảy ra bạo lực thì ông bà, người thân và chính quyền, đoàn thể ở địa phương cần có giải pháp giúp đỡ cụ thể, tạo công ăn việc làm cho các cháu khi các cháu không còn đi học, tránh để chúng có thời gian nhàn rỗi, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Ngoài việc tăng cường vai trò quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng công an cũng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm của các điểm kinh doanh Internet, nhà trọ, quán bar - là những nơi trẻ vị thành niên hay lui tới tụ tập, chơi bời, dẫn tới phạm tội. Tập trung rà soát nắm đối tượng thanh, thiếu niên bỏ nhà đi lang thang để phối hợp với gia đình quản lý, phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất sự tham gia của các em vào các băng nhóm tội phạm. Duy trì thường xuyên mối quan hệ với nhà trường để có biện pháp giáo dục, uốn nắn những biểu hiện tiêu cực của học sinh, không để tới mức phải xử lý hình sự.
Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ, thực sự hiệu quả của gia đình, nhà trường và xã hội thì tình trạng vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên mới được ngăn chặn và đẩy lùi, hướng các em đến lối sống lành mạnh, tích cực, có ích cho gia đình và xã hội
Hà Trang