Vụ dưa gối vụ dưa Ngoài vụ dưa chính (từ tháng 2 đến tháng 5), nông dân các xã Gia Tiến, Gia Phương… còn trồng vụ dưa trái vụ. Thời điểm này, bên cạnh những luống dưa bở vừa được thu hái, đã có những luống được làm đất, ươm bô dưa lê vừa mới được hạ trồng. Dưa là loại cây trồng ưa chân đất vàn cao, ở vùng ít chủ động nước và cho thu nhập hơn trồng lúa. Sau 2 vụ dưa, bà con nông dân tiếp tục cấy lúa, sau đó trồng cây màu vụ đông, tính trung bình mỗi năm bà con có thu nhập bình quân từ 4-6 triệu/sào, tương đương với 130 - 150 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại ở Gia Viễn có khoảng 80 ha ở các xã đã áp dụng công thức 2 vụ dưa, 1 vụ lúa và 1 vụ cây màu.
Trao đổi với Ban quản trị một số HTX nông nghiệp xã Gia Tiến, Gia Phương được biết: Nếu được mùa, trung bình một vụ lúa nông dân chỉ lãi khoảng 200.000 đồng/sào. Trung bình mỗi gia đình có khoảng 4 sào ruộng, vậy là hơn 3 tháng mới có 800.000 đồng. Từ năm sáu năm nay, ở vụ xuân, một số nông dân trồng thử nghiệm giống dưa bở trên những thửa ruộng vàn cao, thường xuyên khô hạn. Kết quả khiến nhiều người ngạc nhiên. Với mỗi 1 sào dưa bở cho năng suất từ 2 - 2,5 tấn, bán tại ruộng từ 5.000- 6.000 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất (làm đất, giống, phân bón…) khoảng 400.000 đồng/sào, nông dân thu lãi 1- 2,5 triệu đồng.
Anh Mai Văn Thân ở xã Gia Tiến cho biết: Gia đình tôi có 14 thước (gần 1 sào) chân đất vàn cao. Sau 3 tháng trồng dưa bở, gia đình đã có thu nhập gần 3 triệu đồng, giờ đây gia đình tôi tiếp tục trồng cây dưa lê vụ mới. Vụ thứ 2 trồng dưa tuy năng suất không cao, song được xem là trái vụ nên giá thành cao hơn, do vậy tranh thủ thời gian, gia đình anh và bà con trong vùng đã dọn vệ sinh đồng ruộng, đưa giống xuống trồng ngay.
So với trồng lúa, chi phí sản xuất dưa bở thấp hơn nhiều. Bà con không phải đi mua hạt giống mà sử dụng ngay giống được tuyển lựa từ những quả mẫu mã đẹp dành làm giống cho vụ sau- chị Nguyễn Thị Ngọc, đội 2 vui vẻ cho biết.
Đặc biệt, sâu bệnh trên dưa bở rất ít, nông dân chỉ cần phun thuốc phòng bệnh duy nhất một lần trước khi dưa ra quả. Theo kinh nghiệm của nông dân nơi đây, phân bón chủ yếu được sử dụng là phân chuồng. Hạn chế bón phân lân, đạm cho cây vì quả dưa bở rất dễ bị nứt, dễ bị thối và có vị đắng khi ăn….
Để phát triển bền vững…
Mặc dù chi phí đầu tư sản xuất thấp, nhưng trồng dưa phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết. Dân gian có câu "Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa". Đó là yếu tố tự nhiên tác động đến sản xuất. Những điều kiện cần thêm nữa: hệ thống kênh mương tưới, kênh tiêu để đảm bảo cho các vụ dưa mỗi khi nắng hạn, mưa dầm thì đòi hỏi cần hơn nữa chính sách đầu tư của huyện và địa phương.
Thực tế cho thấy, ở huyện Gia Viễn có thể mở rộng hơn nữa diện tích thâm canh luân vụ để tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc gieo trồng là do tự phát của người dân, việc tiêu thụ sản phẩm cũng do họ tự tìm đầu mối, nên không tránh khỏi tình trạng "được mùa, mất giá". Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tiến cho biết: Cơ sở hạ tầng xây dựng kênh tưới, kênh tiêu chưa được đầu tư nên năng suất sản lượng thu còn ở mức độ, cùng với hệ thống đường nội đồng xuống cấp… là rào cản không nhỏ khi thu hoạch, vận chuyển nông sản. Thêm nữa, hiện tại việc giao thương còn phụ thuộc vào thương lái nên khó tránh khỏi chuyện bị ép giá cả khi chính vụ…
Một số nông dân đang triển khai trồng vụ dưa mới nơi đây chia sẻ: Hạch toán từ trồng dưa so với trồng lúa cao nhiều lần, song nếu được đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu ra sản phẩm được đảm bảo thì lợi nhuận còn cao hơn. Và khi đó bà con nông dân yên tâm mở rộng sản xuất, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh hơn. Toàn bộ những vùng có địa hình cao đều trồng dưa bở, hình thành nên vùng chuyên canh theo quy mô hàng hóa, chất lượng hơn. Đây cũng chính là vấn đề cần được huyện Gia Viễn và ngành nông nghiệp đi tìm lời giải bài toán cùng người nông dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh