"Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn", lâu nay cỏ dại đã được xem như một trong những nhân tố hàng đầu gây thất thu năng suất cây trồng. Để xử lý vấn đề này, hiện nay, đa phần nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ. Tuy nhiên đây lại là mối nguy hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất chất lượng lúa gạo, gây hậu quả lâu dài cho môi trường, sức khỏe con người và động thực vật.
Tại tỉnh ta, theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp &PTNT, mỗi năm nông dân sử dụng tới 20 tấn thuốc trừ cỏ. Làm thế nào để sản xuất lúa vừa nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, vừa đáp ứng được yêu cầu an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và vượt qua được những đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan của thị trường nông sản thế giới? Sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ chính là hướng đi triển vọng và bền vững được tỉnh và ngành Nông nghiệp quan tâm chỉ đạo.
Bước đi đầu tiên là sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với việc đưa mô hình mạ khay cấy máy vào sản xuất thử nghiệm, tiến tới thay thế các phương thức gieo thẳng hoặc cấy tay truyền thống, sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ... Tuy nhiên, nếu không sử dụng thuốc trừ cỏ mà làm cỏ bằng tay hoặc công cụ làm cỏ cũ (nay hầu như không còn) đang gặp phải trở ngại lớn về công lao động, trước thực trạng thiếu hụt về nguồn nhân lực và thói quen của lao động nông nghiệp, mặt khác sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giá thành nông sản cao.
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp &PTNT, thành viên của nhóm sáng kiến cho biết: Nhằm giúp người dân giải quyết những vấn đề trên, nhóm tác giả chúng tôi đã trăn trở, tiếp thu, kế thừa và chế tạo thành công công cụ làm cỏ lúa trên cơ sở kế thừa nguyên tắc diệt cỏ sục bùn từ công cụ cũ và thay đổi nhằm giảm sức lực, tăng năng suất và hiệu quả lao động, đáp ứng cho hình thức gieo mạ khay cấy máy.
Mỗi công cụ làm cỏ được thiết kế gồm 2 lu quay (kích thước phi 4,8cm x dài 16 cm) quay quanh trục cố định gắn vào phần khung của dụng cụ và trục của 2 lu cách nhau 17cm, gắn trên mỗi lu là 6 hàng răng (kích thước răng rộng 1,5cm x dài 5cm) phân bố đều trên mỗi hàng (3 hàng 3 răng và 3 hàng 2 răng được sắp xếp xen kẽ nhau theo thế chân kiềng) để làm nhiệm vụ sới cỏ và sục bùn, 2 lu được lắp ngược chiều nhau (chiều răng) giúp cho quá trình đẩy đi, kéo lại được nhẹ nhàng, hiệu quả.
Phía trước (phần đầu) thiết kế kiểu mũi thuyền giúp cho quá trình hoạt động của dụng cụ được định hướng và trượt trên mặt bùn nhẹ nhàng, cán của công cụ được làm bằng tre, giúp giảm giá thành sản xuất, có 3 mức điều chỉnh độ cao thấp để phù hợp với người sử dụng và tháo lắp dễ dàng. Công cụ sau khi chế tạo hoàn chỉnh có trọng lượng từ 1,3 - 1,4 kg phù hợp với khả năng di chuyển linh hoạt của người lao động giữa các hàng lúa.
Về cách sử dụng, người làm cỏ lội ở 2 hàng lúa đẩy công cụ theo (hàng sông) hết tầm tay rồi kéo lại ngay (2 lượt) cho cùng vị trí, sau đó chuyển công cụ sang hàng bên cạnh và thực hiện như trước. Khi làm xong cỏ ở các hàng đã định thì bước tiến lên phía trước để làm tiếp, trong quá trình làm người lao động có thể di chuyển chân sao cho thao tác được thuận tiện, cây lúa không bị tác động, cỏ bị vò nát, bùn được sục nhuyễn, phân bón được trộn đều trong đất. Nếu thao tác thuần thục mỗi người có thể làm cỏ được 5 - 6 sào/ngày, còn với công cụ kiểu cũ thường chỉ đạt 1,5 sào/ngày.
Ông Phạm Khắc Thắng, Chủ tịch HĐQT HTX Quyết Trung, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh chia sẻ: Một năm nay, công cụ làm cỏ được áp dụng trên những diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của HTX rất hiệu quả. Ngoài làm sạch cỏ như làm cỏ bằng tay truyền thống, công cụ còn có tác dụng sục bùn giúp đất được thoáng khí, cây lúa hấp thu dinh dưỡng, sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao, mặt khác tạo cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, được người nông dân sử dụng và đánh giá phù hợp với yêu cầu hiện nay trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Từ hiệu quả về kinh tế và môi trường đã được nông dân khẳng định, công cụ làm cỏ lúa sẽ là cơ sở để mở rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tạo ra lượng lớn lúa gạo đạt tiêu chuẩn, với giá thành hợp lý, đáp ứng yêu cầu thị trường nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng, gia tăng giá trị trong sản xuất lúa, tăng thu nhập cho người nông dân, môi trường được cải thiện.
Bài, ảnh: Hà Phương