Đồng chí Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Tính đến thời điểm 31/3/2016, toàn tỉnh có 950 trang trại, gia trại; trong đó có 272 trang trại đạt được tiêu chí của thông tư 27-Bộ Nông nghiệp &PTNT, còn lại là gia trại. Số trang trại, gia trại phân theo lĩnh vực sản xuất như sau: Chăn nuôi 521, chiếm 54,84%, trồng trọt 58 chiếm 6,1%; thủy sản 158, chiếm 16,63%; lâm nghiệp 10, chiếm 1,05%; tổng hợp 203, chiếm 21,38%. Các địa phương: Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp, Kim Sơn... là những nơi có số trang trại và gia trại nhiều. Trang trại và kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh nhà vẫn chủ yếu phát triển theo tính tự phát, tốc độ chậm, sử dụng lao động chưa nhiều, vệ sịnh môi trường chưa đảm bảo.
Trình độ năng lực quản lý, tiếp cận thông tin về thị trường của chủ trang trại còn hạn chế, chất lượng lao động thấp, thiếu mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Vấn đề thiếu vốn trong sản xuất là khá phổ biến và việc vay vốn lại khó khăn nên chưa đủ sức đầu tư mở rộng, lại càng không thể có nguồn lực đầu tư theo chiều sâu. Dịch bệnh trên cây con diễn biến phức tạp, thời tiết khí hậu khó lường, giá cả vật tư, nguyên liệu không ổn định... là những yếu tố gây cản trở không nhỏ đến sự hình thành và phát triển của trang trại và kinh tế trang trại.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 toàn tỉnh có 450 trang trại và có từ 5-10 trang trại có sản phẩm đăng ký trên sàn giao dịch. Giá trị sản xuất hàng hóa của các trang trại chiếm 25% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Mỗi trang trại tạo việc làm cho 10-15 người với thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu đồng/ tháng...
Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp đưa ra các giải pháp là: Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại phù hợp với từng vùng (miền núi là các trang trại lâm nghiệp, trồng rừng kinh tế và cây bản địa lấy gỗ có giá trị cao, chăn nuôi nông lâm kết hợp; vùng đồng bằng phát triển mô hình trang trại tổng hợp kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, cấy lúa với nuôi trồng thủy sản, đi cùng với đó là hoạt động dịch vụ; vùng ven biển phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, trồng rừng ven biển kết hợp với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Về đất đai, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô phù hợp gắn với bảo vệ môi trường; đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình được giao đất phát triển theo quy hoạch; triển khai cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đốivới cơ sở đạt tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất cũng như vay vốn để sản xuất; Khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, đồn điền đổi thửa..tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, chuyển đổi từ đất khác sang trang trại chuyên canh hoặc kết hợp.
Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thiết yếu: Đường giao thông, điện, nước, kênh mương...từng bước chuyển trang trại đang nằm trong khu dân cư ra xa hoặc vào vùng quy hoạch kinh tế trang trại.
Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với vốn tín dụng ưu đãi với thủ tục vay đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên và có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trong trang trại.
Tăng cường đầu tư và xây dựng các mô hình kinh tế trang trại để nhân ra diện rộng. Giới thiệu tiềm năng và cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư, nhất là ở lĩnh vực công nghệ, chế biến nông sản.
Về khoa học kỹ thuật, cần chú trọng đầu tư cho công tác khuyến nông, lâm, ngư, khuyến công; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ cho chủ trang trại; đưa các giống cây con có phẩm chất tốt, chất lượng cao, năng suất khá vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản; khuyến khích các hình thức liên kết và hợp tác trong nghiên cứu và ứng dụng KHCN; trong đó coi trọng liên kết với các trung tâm nghiên cứu ra giống cây con phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu của từng vùng.
Nâng cao trình độ quản lý kinh doanh và trình độ hiểu biết về KHKT cho chủ trang trại, hộ gia đình; tổ chức tốt việc đào tạo nghề phù hợp cho một bộ phận lao động trang trại, nhất là những lao động kỹ thuật của trang trại.
Hàng năm có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho đội ngũ chủ trang trại về kỹ năng quản trị kinh doanh, nhằm tìm hướng phát triển phù hợp trong cơ chế thị trường.
Bằng cơ chế, chính sách sát thực, kịp thời..Nhà nước sẽ đảm bảo công bằng trong sản xuất kinh doanh của các trang trại, định hướng cho trang trại phát triển, quản lý tốt đầu ra và chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo lợi ích và quyền lợi của người tiêu dùng.
Khuyến khích và đẩy mạnh mối liên kết giữa cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bằng việc cung cấp tốt thông tin thị trường, hướng đẫn và định hướng cho các trang trại sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các trang trại.
Đinh Chúc