Y tế cơ sở, khó khăn mọi bề…
Về xã Khánh Công, địa phương ở vị trí cuối huyện Yên Khánh nên việc đi lại của người dân nếu có nhu cầu lên tuyến huyện là khá xa. Cũng vì lý do đường xá xa xôi nên nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào Trạm y tế xã. Vừa gặp gỡ, chưa kịp trò chuyện nhiều với các nhà báo thì đồng chí Trạm trưởng cùng các y, bác sỹ đã vội vàng chạy ra cấp cứu một bệnh nhân trong lúc gặt lúa đã bị liềm vạt vào bàn chân, vết thương khá sâu và chảy nhiều máu. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu, làm các thủ thuật làm sạch, khâu vết thương, tiêm thuốc chống nhiễm trùng…
Sau ca cấp cứu, bác sỹ Phạm Văn Đông, Trạm trưởng Trạm y tế cho biết: Cả Trạm có 6 cán bộ, nhân viên nhưng số lượng người dân đến khám, chữa bệnh hàng ngày đông nên hầu như cán bộ, nhân viên của Trạm làm không hết việc. Trung bình một ngày, Trạm đón tiếp và khám cho từ 40- 50 người bệnh, chưa kể đột xuất sơ cấp cứu cho những trường hợp gặp tai nạn trong lao động, ngã, tai nạn giao thông…
Là xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế từ năm 2006 nên Trạm Y tế xã Khánh Công có nhiều điều kiện thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cơ sở vật chất khá khang trang với các phòng chức năng được xây dựng kiên cố, khá đẹp, diện tích cả trạm rộng rãi, trang thiết bị từng bước được bổ sung… nên hàng năm Trạm đã thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân địa phương thường vượt kế hoạch trên 150%.
Tìm hiểu tại Trạm Y tế xã Khánh Công, chúng tôi được biết thêm: Tuy cơ sở vật chất của Trạm khá tương đối nhưng để thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến mà Bộ Y tế quy định cho Trạm y tế thì ở đây rất khó đảm bảo. Bởi những trang thiết bị hiện có chủ yếu là những dụng cụ đơn giản như: bộ ngũ quan, bộ khí rung, bộ đỡ đẻ, ống nghe…Còn những máy móc hết sức cần thiết trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh như: máy đo đường huyết, máy siêu âm, máy điện tim, tủ tiệt trùng thì Trạm chưa được trang bị. Đây là nguyên nhân chính khiến Trạm y tế Khánh Công mặc dù có tới 2 bác sỹ nhưng cũng chỉ đảm nhận chữa trị được một số bệnh thông thường như: cảm cúm, viêm phế quản, đỡ đẻ thường…như bao Trạm y tế khác, kể cả những trạm chưa có bác sỹ.
Nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động cho y tế cơ sở
Có dịp đến làm việc với nhiều trạm y tế trong tỉnh, điều dễ nhận thấy là ngay cả những trạm y tế đạt chuẩn, thậm chí là đạt chuẩn giai đoạn 2011- 2020 cũng chưa được trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị theo quy định và các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện theo phân tuyến đạt tỷ lệ còn thấp. Như tại Trạm Y tế xã Thượng Hòa (Nho Quan) là đơn vị mới được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn mới nhưng trang thiết bị tại Trạm phục vụ cho việc khám, chữa bệnh vẫn còn thiếu một số máy móc quan trọng như: siêu âm, điện tim…
Đây cũng là lý do dẫn đến việc trong 187 dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh ban đầu theo phân tuyến mà Bộ Y tế quy định cho y tế cơ sở, Trạm Y tế xã Thượng Hòa mới chỉ thực hiện được khoảng 64%, là tỷ lệ không cao so với một đơn vị đạt chuẩn. Khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị là nguyên nhân khiến nhiều địa phương hết sức khó khăn trong việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011- 2020. Bên cạnh đó, khó khăn về nguồn nhân lực bác sỹ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ y học cổ truyền, nhân viên dược… cũng là một trong nhưng nguyên nhân quan trọng khiến người dân thiếu "mặn mà" với các trạm y tế.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của mạng lưới y tế cơ sở và nhằm đánh giá đúng thực trạng, những khó khăn, vướng mắc của một số trạm y tế, nhất là các trạm thuộc vùng sâu, xa, vùng khó khăn, hàng năm, Sở Y tế đã tiến hành khảo sát một số cơ sở y tế trên địa bàn để có những giải pháp, sự đầu tư kịp thời về nhân lực, trang thiết bị cho các trạm, đáp ứng nhu cầu của người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe. Theo bác sỹ Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế: Qua kiểm tra, khảo sát, khó khăn lớn nhất của các trạm y tế hiện nay chính là yếu tố cơ sở vật chất. Bởi việc đầu tư xây dựng trạm hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách địa phương. Nhưng nếu là các địa phương ở xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã thuộc vùng sâu, xa thì đây là khó khăn chưa biết bao giờ mới giải quyết được.
Bên cạnh đó, khó khăn tiếp theo là thiếu bác sỹ, hiện toàn tỉnh mới có 76% trạm y tế có bác sỹ đã dẫn đến hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân chưa được đáp ứng đầy đủ. Đây cũng là lý do dẫn đến việc nếu trạm y tế nào có bác sỹ và y sỹ đa khoa thì mới thực hiện được 70-80% các dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh theo phân tuyến. Chưa kể, trang thiết bị, dụng cụ khám, chữa bệnh lâu ngày xuống cấp, hư hỏng khiến việc khám, chữa bệnh hạn chế rất nhiều.
Để khắc phục những khó khăn của y tế cơ sở, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trạm y tế, đáp ứng tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới, ngành Y tế đã có kế hoạch, giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này. Về trang thiết bị y tế, qua khảo sát, ngành Y tế đã có kế hoạch bổ sung những thiết bị cần thiết cho những trạm có khó khăn và do nhu cầu sử dụng của trạm, thực hiện luân chuyển các trang thiết bị như: máy siêu âm để phát huy hiệu quả trong sử dụng máy móc giữa các trạm y tế, khuyến khích các trạm thực hiện tốt công tác xã hội hóa để mua sắm được những trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương. Giao cho bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế tuyến huyện hỗ trợ, giúp đỡ các trạm y tế các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn.
Về nguồn nhân lực bác sỹ cho các trạm y tế, Sở đã có lộ trình bổ sung bác sỹ cho tuyến xã. Hiện tại, do các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện vẫn thiếu bác sỹ nên trước mắt ưu tiên cho tuyến huyện. Tuy nhiên, qua công tác đào tạo bác sỹ theo địa chỉ mà ngành Y tế thực hiện từ 6 năm trước thì nguồn nhân lực bác sỹ bổ sung cho tuyến xã sẽ bắt đầu từ cuối năm 2014. Bởi với hơn 50 sinh viên đang theo học tại các trường đại học y theo mô hình đào tạo theo địa chỉ, hàng năm số sinh viên ra trường sẽ bổ sung dần cho các đơn vị còn thiếu bác sỹ. Bên cạnh đó, Sở cũng có kế hoạch đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến xã để đội ngũ này từng bước đáp ứng tốt việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Phan Hiếu