Chủ động thoát nghèo
Đón chúng tôi là ông Đào Sỹ Đợi, Trưởng bản Xanh. Thấy chúng tôi, ông vồn vã "anh chị đến rất đúng lúc, hôm nay Hiệp hội nuôi hươu ở bản Xanh đang tập trung để giúp gia đình anh Nguyễn Văn Yên cắt nhung hươu. Nhung hươu là "lộc trời" mà người Mường bản Xanh được ban để biến giấc mơ thoát nghèo thành hiện thực".
Ông Trưởng bản phấn khởi khoe với chúng tôi: Bản Xanh bây giờ có đến 50% là hộ khá giả, chỉ có hơn 10% là hộ nghèo mà hộ nghèo ở thôn đều là những hộ neo đơn và bệnh tật. Điểm chung của các hộ có kinh tế khá giả ở bản Xanh là đều nuôi hươu và nuôi ong. Hai con nuôi này thực sự hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây và đang có xu hướng phát triển rộng.
Theo chỉ dẫn của ông Trưởng bản, chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Yên, một trong những hộ thoát nghèo nhờ nuôi hươu. Chủ nhà là người đàn ông nhỏ thó, ăn mặc tềnh toàng, kiệm lời, chỉ đến khi chúng tôi hỏi về cách nuôi hươu, anh mới cởi mở. Anh Yên thủng thẳng: Trước đây, gia đình nuôi bò, nhưng bò hay bị dịch bệnh. Nghe theo lời khuyên của anh em trong bản, gia đình tôi cũng chuyển sang nuôi hươu.
Hiện nay, đàn hươu nhà anh Yên có 19 con. Anh bảo nuôi hươu vừa kinh tế lại nhàn hơn nuôi trâu bò. Nuôi hươu vừa để thoát nghèo, thậm chí làm giàu, công việc này còn mang lại niềm vui cho chính mình… Anh Yên nhẩm tính: Mỗi năm một con hươu đực cho một cặp nhung.
Nhung hươu bình quân 5 lạng, giá bán 1 lạng ở đây khoảng 1,5 triệu đồng, mỗi năm riêng nhung hươu bán cũng được 100 triệu đồng. Khi hươu hết tuổi cho nhung thì có thể bán hươu thịt giá cũng rất cao so với các con nuôi khác.
Ngoài nuôi hươu, gia đình anh Yên còn kết hợp nuôi 100 đàn ong, 3 cặp nhím và trồng các loại cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Theo anh Yên mặc dù mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh quy mô nhỏ nhưng kinh tế vẫn khấm khá hơn các hộ thuần nông.
Thoát nghèo từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp không còn là xa lạ với người Mường ở bản Xanh, xã Kỳ Phú. Chúng tôi tìm đến gia đình anh Bùi Xuân Thủy, người được mệnh danh là bậc "thầy" nuôi hươu ở bản Xanh. ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến đây là ngôi nhà to nhất bản Xanh, lợp ngói đỏ, nổi bật.
Anh Thủy không giấu vẻ tự hào kể: Ban đầu đàn hươu của tôi 10 con chỉ có hai con đực lấy nhung, sau ba năm đã lên tới 40 con. Tôi bắt đầu thuê bốn nhân công lao động, mỗi ngày trả họ 40.000 đồng.
Hai vợ chồng cứ kiên trì gây đàn lên 70 con sau một năm tiếp theo". Nay số hươu đực cho nhung duy trì ở số lượng 30 con, cho thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm.
Như đoán được ý khách, anh Thủy kể tiếp: "Đấy là chưa kể bán hươu con và bán thịt. Hươu con nuôi sáu tháng là có thể tách mẹ, bán giá 8 triệu đồng.
Hươu thịt tôi bán cho khách sạn trên Hà Nội. Anh Thủy không chỉ là người đi đầu trong phong trào nuôi hươu ở bản Xanh mà còn là người Mường đầu tiên ở đây biết ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh.
Sản phẩm nhung hươu bản Xanh, Kỳ Phú mặc dù chưa được cơ quan nào giúp đỡ để xây dựng thương hiệu nhưng nó đã được khẳng định nhờ uy tín và chất lượng. Hiện nay không khó để tìm được địa chỉ bán nhung hươu Kỳ Phú trên các trang web giới thiệu sản phẩm.
Giấc mơ bản Xanh
Ông trưởng bản Đào Sỹ Đợi có nước da rám nắng nhưng có đôi mắt sáng và nụ cười hiền hậu đặc trưng của người Mường nhớ lại: "Bản Xanh xưa xung quanh toàn rừng.
Cuối những năm 1960, khi còn bé đêm đêm nghe tiếng hàng trăm xe bò các nơi đổ về đây chở gỗ, lấy củi chạy rầm rập. Người dân nghèo quá phá hết rừng. Lúc đó chỉ ước mơ bao giờ dân mình mới có đủ cơm ăn, áo mặc…
Ngày nay kinh tế khá rồi, dân không đốn gỗ chặt củi nữa, rừng quốc gia Cúc Phương, rừng thông mới trồng quanh bản Xanh, đường biên Cúc Phương đã an toàn".
Tuy nhiên, ông Trưởng bản bảo: Người Mường chiếm trên 90% dân số ở bản Xanh, còn lại là con em nông trường về đây khai hoang rồi gắn bó với mảnh đất này.
Chính vì thế mọi người yêu thương đùm bọc nhau. Từ một gia đình đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp bây giờ cả xã đua nhau. ở bản, chúng tôi không có sự cạnh tranh mà là cùng nhau tương trợ giúp đỡ.
Nhà nào muốn thoát nghèo, có quyết tâm là mọi người giúp đỡ rất nhiệt tình. Có bán hươu, bán ong giống cho đến khi nào có tiền lãi thì trả cũng không thắc mắc gì. Lộc nhung bản Xanh bây giờ có thương hiệu thì có thể phát triển đàn hươu lên hàng nghìn con vẫn không ế.
Theo lời anh Thủy, chúng tôi được biết, hiện có khoảng 20 gia đình trong xã lấy giống hươu từ trại của anh, đưa tổng số hươu ở bản Xanh lên hơn 200 con. Những nhà nuôi hươu đều có của ăn của để, thậm chí nếu nuôi trên ba bốn cặp có thể nuôi con ăn học không lăn tăn gì.
Dù không được tập huấn kỹ thuật cũng như giúp đỡ nhiều về vốn nhưng những người dân bản Xanh vẫn có thể dựa vào nhau để vươn lên thoát cảnh nghèo bao đời nay của cha ông họ. Chính sự tương thân, tương ái đã đưa họ đến gần nhau hơn và thống nhất thành lập "Hiệp hội người nuôi hươu trong bản Xanh".
Thành viên ban đầu có 15 gia đình tham gia, nay Hiệp hội đã kết nạp thêm các thành viên ở trong xã và một số xã ngoài như Cúc Phương. Hiệp hội giúp các thành viên kinh nghiệm chăm sóc hươu, tiêu thụ sản phẩm, khi cần nhân lực giúp cắt nhung, bắt hươu, bán hươu, vận chuyển tận nơi tiêu thụ, sự tương trợ giảm giá thuê nhân công ở các hộ neo đơn.
Rời bản Xanh, chúng tôi mang theo dư âm của niềm vui, niềm hạnh phúc về một mảnh đất nghe tưởng chừng như còn rất nghèo nàn, lạc hậu nay đã thay da đổi thịt. Những con người ở đây không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước.
Họ cũng không biết gì về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng lại rất chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu con nuôi phù hợp ở địa phương. Mô hình phát triển kinh tế của những người dân tộc Mường này cũng manh nha theo hướng sản xuất hàng hóa và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Mặc dù vậy, họ vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc hỗ trợ vốn và xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Thiết nghĩ, mô hình trang trại tổng hợp ở bản Xanh thực sự là thế mạnh của địa phương, chính vì thế các cơ quan chức năng cần sớm có sự trợ giúp để nhân rộng mô hình kinh tế, tạo động lực cho xã Kỳ Phú trong quá trình xây dựng nông thôn mới n
Nguyễn Thơm