Trước những khó khăn đó, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, giải pháp mà Gia Xuân (Gia Viễn) tiến hành triển khai và thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương để nâng cao đời sống cho người nông dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, Gia Xuân chú trọng tới chuyển đối cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, con nuôi. Đối với cây lúa, vụ đông xuân mở rộng diện tích trà xuân muộn, ở vụ mùa mở rộng diện tích trà mùa sớm... đưa bộ giống lai, cho năng suất cao và lúa chất lượng cao thay thế các giống lúa địa phương năng suất thấp, đồng thời áp dụng tích cực các biện pháp KHKT vào thâm canh, nên những năm gần đây, năng suất lúa của xã trung bình đạt 230-250kg/sào/vụ. Khắc phục khó khăn do địa hình canh tác không bằng phẳng, từ thực tế của địa phương, Gia Xuân đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con xã viên tiến hành dồn điền đổi thửa, chuyển đổi chân ruộng lúa trũng cấy kém hiệu quả sang mô hình sản xuất kinh tế tổng hợp: chăn nuôi, trồng trọt.... thu hút đông đảo bà con nông dân tham gia hưởng ứng, nhiều trang trại được hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả.
Điển hình là mô hình của gia đình ông Bùi Văn Ngưu và bà Bùi Thị Thơm. Ông bà đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng cho mô hình sản xuất tổng hợp VAC (nuôi cá, nuôi lợn siêu nạc, nuôi gà và trồng cây ăn quả). Với kiến thức được học tập qua các lớp tập huấn, cùng với sự cần cù, sáng tạo, mô hình chăn nuôi tổng hợp đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định.
Đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 20 ha lúa kém hiệu quả được nông dân chuyển đổi sang các mô hình sản xuất tổng hợp tùy vào điều kiện từng hộ gia đình. Các mô hình này thực sự đang được bà con nông dân đẩy mạnh, tiếp tục đầu tư, nâng cấp bằng việc đưa vào nhiều con nuôi mới, cây trồng mới để tăng hiệu quả kinh tế.
Song song với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, để giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn, xã Gia Xuân đã chỉ đạo các đoàn thể, phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn mở các lớp dạy nghề, như: thêu ren, chế tác đá, đan lát các mặt hàng truyền thống từ nguyên liệu tre... giúp bà con có việc làm, tăng thu nhập trong lúc nông nhàn. Bằng nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong năm 2008 xã đã giảm được 3% tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo hiện tại từ 12,2% xuống 10% hết năm 2009.
Ông Mai Xuân Hiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: xã tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân nhân rộng mô hình lúa, cá, VAC tổng hợp để khắc phục khó khăn do địa hình canh tác, đồng thời triển khai chương trình hành động về tạo việc làm, giải quyết lao động dư thừa do thu hồi đất và trong lúc nông nhàn.
Xã cũng sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động phối kết hợp với ngành chức năng, với doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động, đặc biệt là lực lượng thanh niên, phụ nữ nhằm tạo cho họ có nghề vững chắc, có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Huy Hoàng