Vi phạm phổ biến và kéo dài Trên địa bàn huyện Gia Viễn hiện nay có 3 tuyến đê chính là tuyến đê sông Hoàng Long, đê Hữu Đáy, đê Đầm Cút; có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng nghìn người dân trên địa bàn, đồng thời là đường giao thông quan trọng của tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Đê điều cũng như quy định của tỉnh của một số tổ chức, cá nhân trên tuyến đê này vẫn còn diễn ra khá phổ biến, đe dọa đến sự an toàn của tuyến đê, cản trở dòng chảy thoát lũ.
Theo thống kê, tính đến ngày 11/9/2017, trên địa bàn huyện Gia Viễn còn tồn tại 18 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó tuyến đê Tả Hoàng Long 13 vụ, tuyến đê Hữu Đáy 2 vụ, tuyến đê Đầm Cút 3 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ làm các bến bãi trung chuyển vật liệu, dựng lều lán, xây dựng nhà ở, cảng bốc xếp.
Điển hình như vụ việc vi phạm của Công ty TNHH MTV Linh Nhung trên đê Hoàng Long thuộc địa phận xã Gia Phú, vi phạm tự ý san lấp, tôn cao đổ bê tông mặt bãi; xây nhà, tường bao, đặt băng tải, trạm cân trong hành lang bảo vệ đê.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tùng sử dụng bãi bồi phía ngoài sông làm bãi đóng tàu và tập kết vật liệu xây dựng... Gia Tân là một trong những xã trọng điểm có các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đê điều với 5 trường hợp vi phạm. Trong đó có không ít trường hợp đã được tuyên truyền, nhắc nhở, lập biên bản nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm, không chịu giải tỏa.
Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Mão tập kết vật liệu dầm bê tông trong hành lang bảo vệ đê; doanh nghiệp tư nhân Hải Chung tự ý xây dựng một số hạng mục không đúng theo quyết định cấp phép... dù đã bị nhắc nhở, xử lý tới vài lần, nhưng vẫn không chấp hành theo quy định. Nguyên nhân của tình trạng lấn chiếm hành lang đê là do các tuyến đê đi qua khu vực dân cư, các hộ dân thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tập kết hàng hóa, vật liệu; nhiều bãi đã tồn tại hàng chục năm...
Trong khi đó, do lực lượng chức năng chưa chủ động phát hiện, lập biên bản kịp thời các vi phạm mới phát sinh; mức xử phạt còn ở mức thấp, do đó tính răn đe chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều chưa sâu rộng; chính quyền một số địa phương còn buông lỏng quản lý, thậm chí trước đây còn cho thuê, đấu thầu bến bãi ngay sát chân đê... Tình trạng vi phạm hành lang đê không được xử lý kịp thời không những ảnh hưởng đến an toàn đê điều trong mùa mưa, bão mà còn là nguyên nhân gây nên tình trạng xe quá tải chạy phá hoại kết cấu đường, đê.
Kiên quyết xử lý
Thực hiện Luật Đê điều và chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tại Gia Viễn đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm hành lang an toàn đê điều.
Nhằm kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, từ tháng 5/2017 đến nay, huyện Gia Viễn đã có nhiều động thái tích cực như chỉ đạo trực tiếp, bằng văn bản và tổ chức nhiều hội nghị yêu cầu UBND các xã tuyên truyền, vận động các hộ dân vi phạm tự thu dọn, giải tỏa các bến bãi trung chuyển vật liệu và các lều lán xây dựng trong hành lang thoát lũ và hành lang bảo vệ đê.
Một trong những giải pháp được cho là mạnh tay được huyện Gia Viễn đề ra thực hiện trong đợt này là đề nghị Điện lực Gia Viễn ngừng cung cấp điện cho các khách hàng là cá nhân, tổ chức đang sử dụng điện phục vụ các cơ sở kinh doanh, các công trình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn huyện; đồng thời yêu cầu UBND các xã nghiêm túc tổ chức lực lượng giải tỏa cưỡng chế đối với các hộ cố tình không chấp hành.
Tại các địa phương, UBND các xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng của huyện để tuyên truyền, xử lý đối với những vụ việc phức tạp còn tồn đọng, kéo dài, những trường hợp vi phạm nhưng cố tình không thực hiện giải tỏa.
Đồng thời giao nhiệm vụ cho các thôn, xóm tăng cường ý thức trách nhiệm tự quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường trong phạm vi bảo vệ đê và các công trình thủy lợi; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm phát sinh, các trường hợp đổ phế thải xây dựng, rác thải trên mái đê, trong hành lang bảo vệ đê.
Đặc biệt, Công an huyện Gia Viễn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin và tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát sỏi liên quan đến đê điều trên địa bàn huyện. Từ tháng 5 đến nay, Công an huyện Gia Viễn đã kiểm tra, xử lý hành chính được 5/18 trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Để xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn huyện, Gia Viễn đã đề ra mục tiêu hoàn thành theo từng giai đoạn, cụ thể: Huyện sẽ thông báo và động viên các tổ chức, kể cả các tổ chức có giấy phép nhưng hoạt động ngoài phạm vi được cấp phép và các cá nhân vi phạm tự tháo dỡ trả lại nguyên trạng ban đầu, hoàn thành xong trước ngày 30/9/2017.
Thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra và xử lý vi phạm. Xây dựng sẵn kế hoạch và phương án cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm phức tạp, kéo dài xong trước ngày 30/10/2017.
Các vi phạm còn tồn tại sau ngày 30/10/2017, huyện sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh đề nghị thu hồi và ngưng cấp giấy phép xây dựng, kinh doanh, chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức, cá nhân vẫn có nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ trong khu vực đã được tỉnh quy hoạch, huyện sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Ân Nghĩa