Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do MTTQ Việt Nam phát động, Ban công tác Mặt trận của thôn đã phối hợp với các hội đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, phát triển và mở rộng ngành nghề, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng xóm như: Nuôi thả cá vụ, cá lồng ở vùng đồng chiêm trũng, đa dạng ngành nghề ở địa phương như: Mộc, nề, cơ khí, dịch vụ… góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân trong thôn và đó chính là nền tảng, điều kiện quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2005, thôn Đoan Bình đã được UBND tỉnh công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh.
Kể từ khi được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng văn hóa cấp tỉnh, đến nay người dân thôn Đoan Bình vẫn gìn giữ được danh hiệu này. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa không những tăng nhanh về số lượng (đạt trên 95%) mà còn nâng cao về chất lượng, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 7% (giảm 5% so với năm 2001).
Không chỉ ở Đoan Bình, những năm qua, ngoài chú trọng phát triển số lượng, huyện Gia Viễn còn đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa nhằm giúp các làng văn hóa phát triển bền vững. Bên cạnh sự chỉ đạo các địa phương tổ chức đăng ký danh hiệu văn hóa, trao bằng công nhận, ghi sổ vàng gia đình văn hóa… Ban chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" huyện còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện ở mỗi đơn vị; chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc việc bình xét danh hiệu bảo đảm thực chất, phản ánh đúng quá trình phấn đấu của mỗi thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn. Trong xét duyệt, BCĐ chủ trương nâng cao các tiêu chí đánh giá, đưa việc bình xét, nhất là bình xét danh hiệu gia đình văn hóa về cơ sở để nhân dân được tham gia góp ý kiến, bảo đảm dân chủ, khách quan; tạo đột phá trong việc chỉ đạo các địa phương xây dựng nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố.
Với những biện pháp trên, năm 2010, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" ở Gia Viễn đã đạt kết quả nổi bật: Nếu như năm 1999, toàn huyện có 67 khu dân cư tiên tiến, hơn 7 nghìn gia đình văn hóa và mới có 10 làng văn hóa thì đến năm 2010, toàn huyện có 183/198 khu dân cư tiên tiến, đạt 93%; 22.850 gia đình văn hóa, đạt 70% và 131 đơn vị văn hóa, trong đó có 85 làng, phố văn hóa và 46 cơ quan đơn vị, trường học văn hóa; 78 nhà văn hóa thôn, xóm, phố. Một số xã có 100% thôn, xóm có nhà văn hóa là: Gia Sinh, Gia Phú, Gia Lập, Gia Vượng, thị trấn Me. Đặc biệt, nhiều khu dân cư tiên tiến, làng văn hóa hàng năm được các cấp khen thưởng là những khu dân cư tiêu biểu về mọi mặt như: thôn Đồng Chưa (Gia Thịnh), thôn Đoan Bình (Gia Phú), thôn Trung Chính (Gia Hòa), thôn Trung Đồng (Gia Trung)…
Qua thực tế, có thể nhận thấy những nơi đã đạt danh hiệu nhiều năm thì tình đoàn kết cộng đồng càng được thắt chặt, đời sống kinh tế cải thiện, môi trường văn hóa lành mạnh. Ngoài ra, với công tác xã hội hóa, nhiều thiết chế văn hóa được hình thành. Chất lượng phong trào nâng lên còn góp phần tạo sự ổn định về chính trị. Hoạt động của các tổliên gia tự quản, tổ hòa giải, an ninh nhân dân… thu hút sự tham gia của đông đảo thành viên đã giúp các thôn, làng, khu phố duy trì được an ninh trật tự, giải quyết triệt để những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống.
Thu Hằng