Ông Nguyễn Văn Át, thôn Hoàng Long, xã Gia Trung cho biết: Với lợi thế có tuyến sông Hoàng Long chảy qua, vào mùa khô nước sông rút đi để lại vùng bãi bồi màu mỡ phù sa nên khá thuận lợi cho canh tác vụ đông xuân. Do vậy đây là vụ sản xuất chính trong năm của huyện Gia Viễn, mang lại giá trị thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên khu vực ruộng ngoài đê cũng thường xảy ra lũ tiểu mãn nên người dân ít cấy, một số hộ đã bỏ ruộng để đi làm ở các nhà máy, khu công nghiệp... Khi xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi đã thuê lại đất của các hộ dân để trồng lúa.
Với kinh nghiệm của nhà nông tôi đã tiến hành cấy sớm hơn khung thời vụ với các giống lúa ưa nước và ngắn ngày theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, do vậy vài năm nay thường tránh được lũ tiểu mãn, năng suất lúa khá cao. Dự kiến vụ đông xuân năm nay cao hơn năm ngoái vì ít sâu bệnh, thời tiết thuận lợi, cây lúa sinh trưởng khá
Để thu hoạch hàng chục ha lúa ngoài đê, ông Nguyễn Văn át phải huy động hàng chục người và chia ra làm nhiều nhóm để thực hiện liên hoàn các khâu từ gặt lúa, vận chuyển, tuốt lúa, đóng bao... Bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Hoàng Long, xã Gia Trung cho biết: "Trước người dân vùng này cấy nhỏ lẻ, khó áp dụng khoa học kỹ thuật nên rất vất vả. Từ khi dồn điền đổi thửa, các hộ thuê đất để làm với diện tích lớn nên đã tạo thuận lợi đưa máy móc cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp cho công việc sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều, người nông dân cũng tiết kiệm thời gian và giảm bớt sức lao động".
Đồng chí Bùi An Khang, Phó phòng Nông nghiệp huyện Gia Viễn cho biết: Vụ đông xuân năm nay, huyện Gia Viễn cấy trên 6.000 ha, trong đó khoảng 800 ha là diện tích ngoài đê. Để lúa ngoài đê đạt năng suất, ít sâu bệnh, huyện Gia Viễn đã phát động nhân dân tập trung vào gieo cấy đồng trà với các giống lúa thuần, lúa lai ngắn ngày như Nhị ưu 838, Thục hưng số 6, nếp 97, LT2, Bắc thơm, Khang dân...
Hiện nay lúa trà sớm (ngoài đê) với diện tích gần 800 ha đang trong giai đoạn chín. Tính đến ngày 17/5, các địa phương ở huyện Gia Viễn có diện tích lúa chín ngoài đê đã thu hoạch được trên 400 ha trên tổng số gần 800 ha, năng suất ước đạt 63,7 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân năm 2017 khoảng 0,2 tạ/ha. Trà xuân muộn đã ôm đòng, trỗ bông, lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện, hiện nay một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa như: bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân lúa 2 chấm. Cụ thể đã có 17 ha nhiễm bệnh đạo ôn lá (nhiễm nhẹ 14ha, trung bình 2,7ha, nặng 0,3ha). Khoảng 45ha nhiễm đạo ôn cổ bông (nhiễm nhẹ 15ha, trung bình 2,5 ha, nặng 5 ha), đã phòng trừ 4 ha, đang gây hại tăng so với kỳ trước. Gần 35 ha nhiễm bệnh bạc lá (nhiễm nhẹ 10 ha, trung bình 20 ha, nặng 5ha).
Cùng với tiếp tục theo dõi rầy lứa 3 để ra thông báo phòng trừ, các địa phương đã tích cực trừ 130 ha nhiễm khô vằn (nhẹ 50ha, trung bình 55 ha, nặng 25 ha). Sâu đục thân hai chấm nhiễm nhẹ 3 ha, cùng với khoảng 14 ha nhiễm chuột hại (hại nhẹ 11 ha, trung bình 3ha)...
Để thu hoạch trọn vẹn lúa trà sớm tránh lụt tiểu mãn và hạn chế tới mức thấp nhất khả năng phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ mùa; UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân tập trung thu hoạch lúa ngoài đê đã chín để tránh lũ tiểu mãn, với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Đối với lúa trong đồng, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, chú ý tới các đối tượng: bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân lúa hai chấm… Khi xảy ra mưa giông làm đổ những diện tích lúa còn xanh vận động nông dân dựng lúa để cây lúa tiếp tục phát triển.
Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn song song với công việc thu hoạch lúa cần sớm bố trí chân mạ để chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa theo lịch thời vụ của Phòng Nông nghiệp và PTNT; phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh KTCTTL huyện tổ chức khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, máng; chủ động nước để đảm bảo cho sản xuất vụ mùa.
Nguyễn Thơm - Minh Đường