Các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được thực hiện và bổ sung mới tạo động lực cho sản xuất; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế được các cấp ủy, chính quyền coi trọng; cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp trên địa bàn đã và đang được củng cố, nâng cấp, trong đó giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phục vụ tưới, tiêu cho cây trồng từng bước phát huy hiệu quả.
Các tiến bộ kỹ thuật về giống, cây trồng, con nuôi có năng suất, chất lượng cao được nông dân tích cực tiếp thu và đưa vào sản xuất. Tuy nhiên vụ đông xuân 2009-2010 cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn như diễn biến phức tạp của thời tiết, giá cả vật tư nông nghiệp biến động, tình hình gây hại của các đối tượng sâu bệnh phức tạp...
Để đạt được những mục tiêu gieo trồng 7700ha lúa và cây mầu, huyện Gia Viễn chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp thực hiện theo phương châm "giảm trà xuân sớm, tăng trà xuân muộn, đảm bảo tỷ lệ lúa lai thích hợp; mở rộng diện tích và chú trọng thâm canh lúa cao sản, lúa chất lượng cao". Do vậy, trà xuân muộn chiếm 85%; trà xuân sớm chiếm 15% diện tích, cấy ở vùng ngoài đê tránh lũ tiểu mãn và diện tích vùng trũng thực hiện mô hình lúa - cá ở trong đồng.
Huyện khuyến khích nhân dân sử dụng các giống lúa lai (Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, D.ưu 527, Thục hưng số 6, Phú ưu 1, Phú ưu 978, CRN 5104…), giống lúa thuần ( Khang dân 18, Khang dân đột biến, LT2, Nếp 97, Bắc thơm số 7...) và tiếp tục thực hiện đề án phát triển diện tích lúa cao sản, lúa chất lượng cao trên 2.000 ha.
UBND huyện chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào tình hình đất đai, điều kiện thủy lợi, tập quán, trình độ thâm canh của địa phương để xây dựng cơ cấu trà lúa, giống lúa phù hợp, thực hiện quy hoạch vùng lúa cao sản và chất lượng cao ngay từ đầu vụ, chủ động cung ứng giống lúa cho các hộ xã viên đảm bảo số lượng và chất lượng. Ở những vùng khó khăn về nước tưới hoặc vùng trũng trồng lúa hiệu quả thấp, các đơn vị vận động nhân dân chuyển sang trồng các loại cây khác như ngô hoặc cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, làm lúa tái sinh.
Đảm bảo cấy nhanh, gọn trong khung thời vụ, hiện nay huyện đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn và HTX nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa, tu sửa và xây mới các cống tiêu, thoát… Chủ động ký kết hợp đồng tưới, tiêu với Đội khai thác công trình thủy lợi huyện để đảm bảo đủ nước cho sản xuất vụ đông xuân. Tổ chức làm đất sớm, kịp thời, đúng kỹ thuật, giữ đủ nước, đảm bảo ruộng chờ mạ chuẩn bị cấy trong khung thời vụ tốt nhất.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, phân bón, thâm canh, thời vụ… Chỉ đạo nhân dân gieo cấy đúng thời vụ, với diện tích ngoài đê cấy từ ngày 15 đến 25-1-2010 để thu hoạch trước lũ tiểu mãn; những diện tích trong đồng ở trà xuân sớm, chủ yếu là diện tích lúa - cá cấy cùng thời vụ với trà ngoài đê. ở trà xuân muộn, mạ gieo phải được che phủ nilon hoàn toàn và cấy xong trước 20-2-2010.
Trong quá trình gieo cấy, chăm sóc, các đơn vị phải chỉ đạo nhân dân thực hiện phương châm "Bón đúng, bón đủ và bón cân đối tỷ lệ N, P, K" theo yêu cầu của từng chân đất, cây trồng và chủ trương "3 giảm, 3 tăng" để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Thực hiện bón tập trung, kết thúc sớm, tùy vào điều kiện thời tiết, chân đất, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng để điều chỉnh lượng bón thích hợp.
Chủ động trong công tác dự thính, dự báo, thường xuyên theo dõi tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt chú ý đến bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ cơ sở và nông dân về công tác bảo vệ thực vật đang được các đơn vị quan tâm, chú trọng và tổ chức triển khai diệt chuột ngay từ khi đổ ải, làm đất.
Hương Giang