Hội nghị đã nghe Báo cáo thuyết minh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Dự thảo hiến pháp sửa đổi có 11 chương, 124 điều.
Cũng tại hội nghị, Ban chỉ đạo huyện Gia Viễn đã trình bày Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn huyện Gia Viễn được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai với các hình thức thích hợp; đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bao gồm Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Theo kế hoạch, các phòng, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, địa phương trong huyện sẽ tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thông qua hình thức góp ý trực tiếp bằng văn bản, thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tổng hợp báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo huyện theo 2 đợt, chậm nhất vào ngày 27/3.
Quốc Khang