Đồng chí Bùi An Khang, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Vụ đông xuân này, toàn huyện Gia Viễn gieo cấy trên 6.300 ha lúa đông xuân, trong đó gieo thẳng được 650 ha, chiếm khoảng 11% diện tích. Ngay từ đầu vụ, Phòng đôn đốc các địa phương, các HTX tổ chức diệt được gần 5.000 con chuột bằng phương pháp thủ công, bắt diệt 4.500kg ốc bươu vàng. Cùng với đó, Phòng đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV điều tra, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh trên mạ và lúa mới cấy vụ đông xuân, tạo điều kiện khá thuận lợi cho lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển.
Tuy nhiên, trong tháng 3 và đầu tháng 4, trên địa bàn đã xuất hiện bệnh lùn sọc đen trên lúa rải rác, nhiễm nhẹ, tập trung vào trà xuân sớm cấy ngoài đê thuộc các xã Gia Trung, Gia Vượng, Gia Thịnh. Ông Trần Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Gia Viễn cho biết: Bệnh lùn sọc đen do vi rút gây ra nên chưa có thuốc phòng trị, biện pháp tốt nhất, trước mỗi vụ sản xuất bà con nông dân cần phải làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, nhất là dọn cỏ bờ vùng, bờ thửa. Do vậy, bệnh lùn sọc đen sẽ hại cục bộ với diện tích nhỏ, nông dân nên làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, tránh tình trạng tự mua thuốc để phun, sẽ gây lãng phí...
Cùng với đó, để sớm dự tính, dự báo được diễn tiến của các loại bệnh trên lúa đông xuân, Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tham mưu mở 3 lớp tập huấn diệt trừ rầy các loại, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền biện pháp xử lý đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh nặng bằng cách nhổ cây vùi sâu trong đất, làm vệ sinh, dọn cỏ bờ vùng, bờ thửa.
Trong giai đoạn lúa sinh trưởng, công tác bảo vệ thực vật luôn được đôn đốc, sát sao từ huyện đến cơ sở. Thống kê trên toàn huyện có 9 ha nhiễm nhẹ bệnh lùn sọc đen, 7 ha nhiễm bệnh đạo ôn lá (nhiễm nhẹ 4ha, nhiễm trung bình 2,7ha, nhiễm nặng 0,3ha), 6 ha nhiễm nhẹ bệnh bạc lá, 13ha nhiễm chuột hại, đến nay đã bắt diệt được 6.500 con chuột bằng các phương pháp sinh học, thủ công...
Đến đầu tháng 5, đã có gần 800 ha lúa đã vào mẩy, diện tích còn lại đang sinh trưởng, phát triển khá và đang ở giai đoạn "bật đòng, phơi hoa". Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục chỉ đạo các HTX thường xuyên kiểm tra thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các đơn vị có nhu cầu.
Đồng chí Đặng Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân cho biết: Toàn bộ diện tích lúa đông xuân (298 ha) của xã đều nằm trong đê, đến nay, lúa phát triển khá tốt, đang ở kỳ "bật đòng, trổ bông". Chỉ có một số ít diện tích các hộ nông dân do bón nhiều phân đạm, nên lá lúa dài thượt và rối lá, khóm lúa không gọn gàng. Đây là diện tích được xã khuyến cáo theo dõi thường xuyên, liên tục vì dễ nhiễm các bệnh về nấm, vi khuẩn, ở kỳ trổ bông kéo dài, dễ nhiễm bệnh sâu rầy dẫn đến lép hạt.
Trên đồng ruộng của Gia Viễn giai đoạn này, trà lúa xuân sớm (chủ yếu ngoài đê) đã vào mẩy, dự kiến sẽ cho thu hoạch trước lũ tiểu mãn. Diện tích lúa trong đồng ở kỳ "bật đòng" sẽ phơi hoa đồng loạt từ ngày 15/5 đến 25/5. Đây cũng sẽ là tín hiệu để huyện Gia Viễn tiếp tục có một vụ lúa đông xuân giành thắng lợi.
Bài, ảnh: Minh Đường