Trước tình hình chuột hại, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo các HTX nông nghiệp, khuyến nông viên, người nông dân tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình dịch hại trên đồng ruộng để chủ động có biện pháp phòng, trừ kịp thời.
Theo kế hoạch và hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, Trạm khuyến nông, các địa phương tích cực huy động mọi nguồn lực thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ, diệt chuột hại trên những diện tích có nguy cơ gây hại nặng.
Để chủ động phòng, chống chuột hại, kiên quyết không để dịch hại lây lan trên diện rộng nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2019. Đồng chí Đỗ Văn Cảnh, Giám đốc HTX Gia Tiến cho hay, ngay sau khi địa phương phản ánh về tình trạng chuột phá hoại lúa mùa, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cử các cán bộ xuống tìm hiểu, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi, môi trường sinh thái.
Đại diện Ban quản trị HTX Ngọc Động (xã Gia Phong), cũng chia sẻ: Vụ mùa này, HTX chỉ gieo cấy 75 ha trong tổng số 165 ha diện tích ruộng cấy. Mặc dù với diện cấy không nhiều, nhưng các đợt ra quân dịp này, HTX đã thu mua được 3.370 con chuột (tương đương gần 700 kg chuột). Chưa kể khá đông người dân nơi khác (ở Thanh Hóa và Nam Định) cũng về đây tổ chức đào bới, bẫy, đổ nước lùng bắt chuột sống mang đi để chế biến các món ẩm thực... Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã tiếp nhận, cấp phát tới các xã, HTX trên địa bàn 500 kg thuốc Cat 0,25 W, đồng thời tuyên truyền, phát động nông dân đồng loạt ra quân diệt chuột thời kỳ làm đất và sau khi cấy. Song, nạn chuột phá mạnh vẫn đang tiếp diễn.
Tìm hiểu nguyên nhân "nạn chuột" đang hoành hành ở Gia Viễn vụ mùa này, đại diện một số HTX và nông dân nhận định: Chuột nhiều và phá mạnh là do thời tiết ở vụ đông xuân nắng ấm, chuột sinh sản nhanh. Khoảng thời gian giữa 2 vụ lại rất ngắn, nên sang vụ mùa là thời điểm chúng có sức gây hại mạnh.
Một nguyên nhân nữa là, vụ này, Gia Viễn chuyển đổi khoảng 1.000 ha (bằng 1/5 diện tích ruộng) toàn huyện sang nuôi trồng thủy sản, hoặc để làm lúa chét…Điều này, có nghĩa là bên cạnh những diện tích cấy lúa mùa, lại có những diện tích bỏ ruộng không cấy. Diện tích bỏ ruộng thì không tổ chức bơm nước ngập, không tổ chức lồng dầm (để hoang), cùng một phần chuyển đổi sang làm lúa chét, nuôi cá…thì đây là môi trường trú ngụ lý tưởng của lứa chuột trưởng thành, sinh sôi lưu tồn từ vụ đông xuân, nay sang vụ mùa có điều kiện cắn phá.
Thời điểm này, lúa đang ở thời kỳ "chắc, xanh", cuối vụ - giai đoạn dồi dào nguồn thức ăn nhất, nên việc đánh chuột bằng thuốc là không còn hiệu quả. Giải pháp tối ưu hơn cả là các địa phương diệt chuột bằng thủ công như: Tìm hang ổ ẩn náu, đào bắt, hun khói, đổ nước vôi loãng cho chuột chạy ra khỏi hang, dùng đó, lưới bắt hoặc dùng các loại cạm bẫy đặt trên lối đi của chuột hoặc vùng chuột đang phá lúa…
Bài, ảnh: Nguyễn Minh