Trà xuân sớm được cấy chủ yếu bằng các giống Xi23, X21, Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Q.ưu1, Khang dân 18 và các dòng ải. Trà xuân muộn cấy các giống Tạp giao, các dòng lúa thơm ngắn ngày cho năng suất, sản lượng, giá trị cao như Thục hưng 6, Phú ưu 1, Phú ưu 978, CNR 5104, Q.ưu1, Nhị ưu 838, Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1. Diện tích cấy lúa Tạp giao khoảng 2.800 ha, chiếm trên 40% diện tích. Trong đó diện tích lúa cao sản theo đề án của UBND tỉnh tại vụ đông xuân này đạt trên 2.114 ha (kế hoạch của toàn huyện 2 vụ trong năm là 2.000 ha). ở vụ sản xuất này, một số HTX nông nghiệp được huyện và các công ty hỗ trợ đã xây dựng được các mô hình trình diễn giống mới với trên 8 ha gồm giống BT - E1, Đại dương 1, D.ưu 6511 ở xã Gia Vượng; giống BC15 ở Gia Hòa, Gia Trấn; giống CNR02 ở xã Gia Thịnh; D.ưu 600 ở xã Gia Thắng và mô hình trình diễn phân bón NPK, phân NEB với diện tích 23 ha.
Theo lịch thời vụ, các HTX, các đơn vị trên địa bàn huyện tiến hành gieo cấy từ ngày 20-1 đến 5-2 kết thúc, riêng một số diện tích ngoài đê được chỉ đạo gieo cấy sớm hơn diện tích trong đồng để có thể thu hoạch trước tiểu mãn. Sau khi hoàn thành gieo cấy, bà con xã viên đã chuyển trọng tâm sang chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đối với khâu chăm sóc, Phòng Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho nông dân cách thức chăm sóc, bón phân cho cây lúa, đảm bảo đúng thời điểm, đúng loại phân bón, bón đúng cách, hợp lý.
Đối với diện tích lúa cấy ngoài đê, kết thúc bón đạm vào cuối tháng 2, bón thúc kali trước ngày 10-3; diện tích trong đồng lượng phân đạm bón thúc đẻ nhánh kết thúc trước ngày 10-3, lượng kali còn lại bón đón đòng kết thúc trước 20-3. Về nước tưới, Đội khai thác công trình thủy lợi huyện thường xuyên theo dõi, cung ứng đầy đủ lượng nước ngay từ đầu thời vụ để phục vụ việc làm đất, gieo cấy lúa, và duy trì để lúa đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển đều.
Hiện nay, lúa đông xuân trên địa bàn huyện sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều. Trà xuân sớm đang ở giai đoạn đòng già - trỗ bông, trà xuân muộn đứng cái - làm đòng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình thời tiết có mưa, mưa phùn rải rác kéo dài, nắng ít trong thời gian vừa qua nên một số đối tượng sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại trên các trà lúa. Qua kiểm tra của Phòng Nông nghiệp & PTNT và Trạm bảo vệ thực vật huyện, bệnh đạo ôn xuất hiện rải rác, tập trung cao ở những ruộng lúa tốt, giống nhiễm như Nếp, Bắc thơm số 7, Nhị ưu 838..., tỷ lệ trung bình 0,2%, nơi cao từ 2 - 7%. Đã xuất hiện ổ bệnh gây lùn lụi lúa ở HTX Thanh Hòa (Gia Vân). Tổng diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn trong toàn huyện khoảng 200 ha. Theo dự báo, bệnh đạo ôn có khả năng tiếp tục phát sinh, phát triển, tăng tỷ lệ gây hại. Để phòng trừ và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây hại của bệnh đạo ôn và các đối tượng sâu bệnh khác, huyện Gia Viễn đã yêu cầu các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp tập trung phòng trừ kịp thời. Các đơn vị thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện các ổ bệnh, nhất là bệnh đạo ôn và chỉ đạo phòng trừ khi tới ngưỡng gây hại bằng các loại thuốc đặc hiệu như Beam 75WP, Bump 650, Colgat 75WP, Puzion 40WP..., nồng độ và liều lượng theo đúng hướng dẫn trên bao bì (mỗi sào phun 20 - 25 lít nước thuốc đã pha). Những ruộng bị nặng tổ chức phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 - 7 ngày. Riêng diện tích lúa chuẩn bị trỗ bông bị nhiễm bệnh ở giai đoạn lá, đặc biệt là khi bệnh xuất hiện trên lá đòng cần được phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trỗ. Các đối tượng sâu bệnh khác như rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn... cũng được các đơn vị tiếp tục theo dõi, kết hợp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng gây hại theo hướng dẫn của Trạm bảo vệ thực vật.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm