Chuẩn bị đầy đủ
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết khí hậu năm 2014 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông nhiều hơn trung bình nhiều năm. Nhiệt độ xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm; nắng nóng với nhiệt độ 37-390C có khoảng 5-7 đợt. Lũ trên sông Hoàng Long, đỉnh cao nhất khả năng ở mức 3,3-3,8m và khả năng xuất hiện vào tháng 7 hoặc 8. Bước vào mùa mưa bão năm nay, huyện Gia Viễn là địa phương tổ chức sớm hội nghị triển khai công tác PCLB. Đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Gia Viễn đã tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá lại hệ thống đê điều và các công trình PCLB. Theo đó, toàn huyện có 4 tuyến đê với tổng chiều dài là 57,2 km.
Trong đó, tuyến đê tả Hoàng Long dài 23,8 km từ Mai Phương (Gia Hưng) đến cầu Gián Khẩu, cao trình từ 6,8-6,2 m, mặt đê đã được đổ bê tông rộng 4 m; trên toàn tuyến có 7 cống lấy nước, 7 cống xả tiêu, trong đó có cống Tân Hưng xây dựng đã lâu, cống ngắn hơn đê, thân cống bị rò rỉ, hệ thống giàn van nhiều chỗ bị hỏng không đảm bảo chống lũ. Đê Đầm Cút dài 14 km từ Mai Phương (Gia Hưng) đến Địch Lộng (Gia Thanh), cao trình 6,8-6,2 m, mặt đê đổ bê tông; toàn tuyến có 3 cống lấy nước, 4 cống xả tiêu; trên tuyến có đoạn đê từ K11-K13 mặt đê bị lún, hư hỏng, đi lại khó khăn. Đê hữu sông Đáy dài 8,3 km, từ cống Địch Lộng (Gia Thanh) đến cầu Gián Khẩu (Gia Trấn), cao trình 6,6-6,2 m, mặt đê đã đổ bê tông. Đê hữu sông Hoàng Long dài 9,3 km từ núi Mõ (Gia Minh) đến cầu Đen (Gia Sinh), cao trình từ 6,1-5,9 m, mặt đê được đổ bê tông 6m; trên tuyến có 4 cống lấy nước, 3 cống xả tiêu, 1 âu thuyền và đập tràn Lạc Khoái dài 730m. Toàn huyện còn có 3 đường bờ vùng (bắc, nam Rịa; Hoa Tiên - Gia Hưng; Phương Đông - Gia Thanh); 2 cống thoát lũ (Mai Phương, Địch Lộng); 27 trạm bơm với 119 máy từ 1.000-8.000 m3/h; 8 điếm canh đê...
Nhìn chung, hệ thống các công trình PCLB trên địa bàn huyện do mới được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên đủ khả năng chống lũ theo mực nước thiết kế và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi lũ trên báo động 3 trở lên thì hiện tượng thẩm thấu, rò rỉ, sạt lở do nước ngâm lâu ngày có thể xảy ra và huyện xác định trọng điểm của công tác PCLB năm nay là cống Tân Hưng và đập tràn Lạc Khoái. Về vật tư, phương tiện và lực lượng, tại vị trí các cống dưới đê huyện đã chuẩn bị 5.515 m3 đá, 1.000 m3 đất; trong kho PCLB có 6.000 bao tải, 320 áo cứu sinh, 400 phao cứu sinh tròn, 7 phao bè, 21 nhà bạt, 2 máy phát điện, 1 xuồng, 100 xẻng. Huyện có kế hoạch huy động phương tiện của các ngành và địa phương phục vụ PCLB khi cần, gồm: 18 chiếc đò máy, 70 thuyền máy tải trọng từ 70-200 tấn, 45 xe tải nhẹ, 2 xe khách, 6 xe tải loại 4-10 tấn, 4 xe con, 4 máy xúc, 2 máy ủi, 1 xe cứu thương. Mỗi xã, thị trấn có 100 người tham gia lực lượng xung kích, huyện hiệp đồng với lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn từ 200-250 chiến sỹ; dự trữ 300 kg lương khô… UBND huyện đã có Quyết định thành lập Ban chỉ huy PCLB &TKCN năm 2014 do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; thành lập 3 phân ban chỉ huy PCLB&TKCN và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các ngành, cơ quan, đơn vị; phân chia địa giới quản lý, bảo vệ các công trình PCLB cho các địa phương...
Sẵn sàng ứng phó Huyện Gia Viễn yêu cầu tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng phương án PCLB &TKCN năm 2014 chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị. UBND huyện cũng đã xây dựng phương án PCLB và giảm nhẹ thiên tai chung cho toàn huyện. Theo phương án này, mục tiêu chung là phải đảm bảo chống lũ với mực nước thiết kế cho các tuyến đê; đảm bảo an toàn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế tối đa thiệt hại khi có bão đổ bộ vào; tiêu úng nhanh nhất, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; ứng phó kịp thời và khắc phục có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản khi có tình huống xảy ra.
Đối với chống bão và áp thấp nhiệt đới, thường xuyên, liên tục thông báo, cảnh báo, công điện chỉ đạo điều hành phòng, chống lụt bão và áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh huyện, các xã, thị trấn; tổ chức thu hoạch nhanh gọn lúa đã chín, hoa màu, thủy sản; tiêu nước đệm trong vùng nội đồng; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác các công trình đê, kè, cống, nhất là các vị trí trọng điểm, xung yếu nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố. Khi bão có sức gió từ cấp 9 trở lên, các cơ quan, đơn vị và nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; trực ban 24/24 giờ với 100% lực lượng sẵn sàng ứng cứu. Khi bão có sức gió từ cấp 11 trở lên, chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư chi viện cho các xã, thị trấn phòng tránh; tổ chức sơ tán, di rời dân kịp thời và an toàn; triển khai kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn...
Đối với chống lũ: Khi mực nước trên sông Hoàng Long vượt báo động 3 tại Bến Đế và tiếp tục có khả năng dâng cao thì nhiệm vụ và giải pháp là thường xuyên thông báo tình hình lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; nhất là ở vùng xả tràn, ngoài đê để nhân dân chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác đê, lực lượng cứu hộ đê, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố. Các thành viên Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện xuống vị trí được phân công chỉ đạo các địa phương chống lũ bảo vệ đê.
Khi lũ trên sông Hoàng Long về nhanh, vượt cao trình cho phép (+5,3 m tại Bến Đế), tuyến đê Đức Long - Gia Tường và đê hữu Hoàng Long nguy cơ mất an toàn phải vận hành xả tràn Lạc Khoái qua 24 cửa cống thì các công việc cần làm là: Thường xuyên thông báo cho nhân dân biết về tình hình lũ; huy động lực lượng tuần tra canh gác đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ", bảo vệ điểm xung yếu-cống Tân Hưng; tập trung thu hoạch lúa chín, cây màu và thủy sản; tiêu nước đệm, triển khai chống úng; triển khai phương án vận hành tràn Lạc Khoái; trước khi xả tràn từ 4-6 giờthông báo cho nhân dân biết để chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; tổ chức sơ tán người và tài sản cho nhân dân vùng phân lũ (Gia Phong, Gia Minh, Gia Sinh, Gia Lạc). Khi đã xả lũ qua 24 cửa cống-tràn Lạc Khoái mà lũ trên sông vẫn lên nhanh uy hiếp các tuyến đê Đức Long-Gia Tường và đê hữu Hoàng Long thì chủ động xả tràn sự cố Lạc Khoái (dài 612,3 m) nhằm tiếp tục phân lũ, cắt đỉnh lũ. Khi xả lũ qua tràn sự cố rồi mà nước lũ vẫn lên nhanh uy hiếp đê Đức Long-Gia Tường thì phải xả tràn Đức Long-Gia Tường cũ. Khi đã xả lũ qua tràn Đức Long - Gia Tường rồi mà lũ vẫn lên nhanh, trong khi đó mực nước trên sông Đáy tại cầu Đoan Vỹ thấp hơn mức nước lũ trên sông Hoàng Long thì thực hiện xả lũ qua cống Mai Phương, Địch Lộng.
Đối với chống úng, nếu mưa 3 ngày liên tục từ 150 mm (đầu vụ) - 250 mm (giữa vụ) trong mọi điều kiện đảm bảo ăn chắc 100% diện tích gieo trồng; nếu mưa 3 ngày liên tục từ 250 mm đến 300 mm (giữa vụ) thực hiện phương án chống úng đảm bảo 90% diện tích gieo trồng ăn chắc; nếu mưa 3 ngày liên tục từ 300 mm trở lên, thực hiện khoanh vùng chống úng, hạn chế thấp nhất diện tích mất trắng, thu hoạch nhanh diện tích lúa chín, đảm bảo 80% diện tích gieo trồng ăn chắc…
Đinh Chúc