Là lễ hội lớn của tỉnh, diễn ra ngay từ những ngày đầu năm mới, lễ hội chùa Bái Đính thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Bái Đính cho biết: Những ngày đầu xuân, mỗi ngày có đến hàng trăm nghìn lượt người đến tham quan, chiêm bái chùa Bái Đính. Theo tính toán sơ bộ, trong tháng Giêng năm 2017 đã có gần 3 triệu lượt khách đến chùa tham quan, đạt kỷ lục về số người đến từ trước đến nay. Điều đáng mừng là tuy số người du xuân đông như vậy nhưng công tác đảm bảo ANTT, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt trong việc tham quan, chiêm bái. Đã không còn hoặc còn rất ít tình trạng đốt nhiều hương, đốt vàng mã, rải tiền lẻ lên tay, trên các tượng phật. Tình trạng người dân xả rác, vứt đồ, ăn mặc phản cảm trong khuôn viên nhà chùa cũng được hạn chế đáng kể… Cùng với đó công tác đảm bảo an ninh, an toàn tài sản cho người tham quan, chiêm bái được thực hiện nghiêm túc,tạo niềm tin, sự an tâm cho du khách. Bà Đinh Thị Tình, xã Yên Thái, huyện Yên Mô chia sẻ: "Đầu xuân tôi thường đi một số chùa lớn trong và ngoài tỉnh để cầu may. Đi một số chùa lớn ngoài tỉnh tôi thấy vẫn còn tình trạng lộn xộn, mất an toàn về tài sản, mất vệ sinh. Nhưng về đến chùa Bái Đính thì thấy cách quản lý và hoạt động tại chùa rất quy mô, bài bản và chuyên nghiệp. Quang cảnh chùa trang nghiêm, sạch sẽ, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, từng khu bán hàng, gửi xe, làm dịch vụ được quy hoạch hợp lý, hài hòa, có niêm yết giá các mặt hàng, không có người ăn xin, không xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy, ăn trộm, móc túi… Những người đi lễ chùa thực sự cảm thấy thanh thản, yên tâm.
Đồng chí Lê Thị Thanh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Gia Viễn cho biết: Mỗi năm, trên địa bàn huyện Gia Viễn diễn ra 51 lễ hội, bao gồm 41 lễ hội dân gian, 2 lễ hội lịch sử cách mạng, 6 lễ hội tôn giáo và các lễ hội khác. Trong đó có 1 lễ hội cấp tỉnh là lễ hội chùa Bái Đính, ở xã Gia Sinh, 2 lễ hội cấp huyện là lễ hội Đền Đức Thánh Nguyễn, ở xã Gia Tiến và lễ hội Đinh Tiên Hoàng, ở xã Gia Phương; còn lại các lễ hội khác do địa phương (cấp thôn, xã) tổ chức. Để các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm, hàng năm, UBND huyện thực hiện kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển nhà nước về du lịch với sự tham gia của các thành viên, gồm đầy đủ lãnh đạo đại diện các phòng, ban, ngành của huyện; đồng thời ban hành kế hoạch triển khai tổ chức các lễ hội trên địa bàn, gửi tới UBND các xã, thị trấn, lực lượng công an… Phòng Văn hóa và Thể thao cũng có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện phối hợp các nhiệm vụ đảm bảo mùa lễ hội văn minh, an toàn và tiết kiệm.
Nhờ triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, phần lớn các lễ hội trên địa bàn huyện Gia Viễn đều được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo tiêu chí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và mang đậm dấu ấn lịch sử của địa phương. Nổi bật là công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, hiện tượng đốt nhiều hương, đốt vàng mã, bầy biện mâm lễ tại các lễ hội đã được giảm đáng kể; tình trạng chèo kéo khách du lịch, đặt tiền, ép giá tại các lễ hội không còn nhiều. Đặc biệt, tại các lễ hội, phần lễ được tổ chức trang trọng kết hợp hài hòa giữa nghi lễ truyền thống và hiện đại. Phần hội nhiều địa phương đã khai thác được các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm dấu ấn của quê hương, góp phần khai thác, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, vui chơi giải trí của đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Hạnh Chi