Gia Minh là một xã còn nhiều khó khăn của huyện Gia Viễn. Đời sống của bà con phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, do đó tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. "Địa phương cũng loay hoay đủ kiểu để đưa nghề phụ về với bà con, tuy nhiên vẫn chưa tìm được nghề nào phù hợp"- ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã Gia Minh nói. ông cho biết thêm, trước đây chúng tôi từng phối hợp mở lớp dạy nghề đan bèo bồng cho lao động ở xã bởi Gia Minh có lực lượng lao động nhàn rỗi dồi dào, địa phương lại có diện tích mặt nước lớn. Tuy nhiên, ngay sau khi được đào tạo, những lao động này đành để… mất nghề vì không trồng được nguyên liệu. Khảo sát kỹ mới hay, tuy diện tích mặt nước của Gia Minh lớn, nhưng không phù hợp để trồng bèo (nguyên liệu cho nghề đan bèo bồng) bởi nước ở đây rất chua. Một bài học sâu sắc được địa phương rút ra là dù nuôi con gì, trồng cây gì và làm nghề gì… cũng phải dựa trên nền tảng thực tế. Tiếp đó, xã cũng đưa vào một số nghề thủ công như: chẻ tăm hương, mây tre đan vào sản xuất… đến nay, nghề vẫn tồn tại, song chỉ thu hút được một bộ phận lao động cao tuổi hoặc trẻ em tham gia làm với gia đình, còn lực lượng lao động chính thì vẫn không mặn mà với lý do thu nhập ngày công lao động thấp. Đến tháng 5/2015, Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp. Ngay từ bước đầu khảo sát, rất nhiều lao động, đặc biệt là lao động trẻ đã ủng hộ và đăng ký tham gia học nghề này.
Lớp học được tổ chức nề nếp, đảm bảo chất lượng nên chỉ sau 3 tháng đào tạo đến nay số học viên đều đã có thể làm nghề và được doanh nghiệp nhận vào làm việc tại xưởng may mở tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Hương ở đội 1, thôn Thượng, xã Gia Minh cho biết, trước đây vì không có việc làm nên tôi và nhiều chị em phụ nữ ở xã phải đi làm thuê xa nhà như phụ hồ, rửa bát, giúp việc… con cái gửi ông bà trông nom giúp. Thêm nữa, vì công việc không đều nên thu nhập của tôi cũng bấp bênh. Khi nghe tin địa phương mở lớp dạy nghề may công nghiệp, chúng tôi rất phấn khởi. Trong thời gian học nghề, tôi cũng có mức thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Còn bây giờ, khi đã lành nghề rồi thì mức thu nhập của tôi luôn đạt trên 3 triệu đồng/tháng. Hiện nay, toàn xưởng may có 40 lao động đều là người địa phương.
Cũng với mục đích tương tự, tại xã Gia Trung vừa khai giảng một lớp dạy nghề may do Trung tâm Dạy nghề huyện phối hợp với Tổ hợp may Thành Trung tổ chức. Theo đó, doanh nghiệp đứng ra đầu tư nhà xưởng, máy móc, trực tiếp "cầm tay chỉ việc" cho học viên, đồng thời cam kết sẽ bố trí việc làm tại chỗ cho lao động ngay sau khi tốt nghiệp và đã có hơn 40 lao động đăng ký tham gia lớp học này. Theo đại diện của Công ty may Thành Trung, từ một tổ hợp may nhỏ ở xã Gia Phú với chừng 3-4 thợ may nhận hàng may gia công, dần dần, đơn hàng nhiều hơn nên chủ xưởng đã đầu tư mở rộng sản xuất, mua thêm máy móc và thu hút lao động vào làm việc. Từ một tổ hợp may nhỏ Thành Trung đã phát triển thành một Công ty may tư nhân. Sau khi khảo sát nhu cầu, tại các địa phương, Công ty đã mở thêm ba tổ hợp may, trong đó có một tổ hợp vừa tổ chức ở xã Gia Trung.
Ông Hà Giang Nam, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn cho biết, sở dĩ huyện Gia Viễn lựa chọn nghề may công nghiệp làm hướng đi chính trong việc đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn bởi lẽ nghề này rất phù hợp với trình độ lao động và thị trường việc làm lại khá ổn định. Một thuận lợi đối với địa phương đó là có Khu công nghiệp Gián Khẩu đóng trên địa bàn với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành may mặc rất lớn. Không chỉ thu hút lao động vào làm việc tại khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp còn về tận các xã để mở xưởng may vệ tinh. Đây là cơ hội lớn đối với lao động, nhất là lao động nữ ở độ tuổi ngoài 30. Hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Viễn có gần 4.000 lao động làm nghề may, làm việc ở 8 công ty, tổ hợp may. Trong đó, có trên 2.500 lao động làm ở Công ty May Đài Loan, còn lại đều làm ở các tổ hợp may.
Tuy nhiên, để các tổ hợp may ngày càng phát triển, mở rộng sản xuất nhằm tạo việc làm nhiều hơn nữa cho lao động nông thôn thì cũng còn nhiều việc phải làm. Mặc dù hoạt động hiệu quả, song khó khăn lớn nhất của Tổ hợp may tự quản là hoạt động còn chưa gắn kết. Mỗi tổ hợp lập nên là do một người đứng đầu linh hoạt tìm đơn hàng, rồi thuê nhân công nên chưa thực sự bền vững. Theo ông Phạm Tiến Dũng, chủ một tổ hợp may ở Gia Minh thì đối với lao động tại xưởng may của ông, đa số là lứa tuổi trên 30, thậm chí trên 35 tuổi. Đây là những lao động khó xin vào làm tại các công ty lớn do không còn nằm trong khung độ tuổi "vàng" theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp… Do xuất thân là nông dân nên ý thức, tác phong sản xuất công nghiệp của người lao động còn chưa chuyên nghiệp, bên cạnh đó khả năng tiếp cận những kỹ thuật mới cũng còn hạn chế. Đây là những khó khăn, ảnh hưởng tới việc mở rộng sản xuất của các tổ hợp may. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy nghề, mong rằng trong các chương trình, giáo án dạy nghề cũng sẽ tăng cường rèn luyện ý thức, tác phong công nghiệp cho người lao động.
Quách Thị Cúc
Trường Chính trị tỉnh