Mặc dù diện tích chỉ có khoảng 30m2, song vườn cây thuốc nam của Trạm Y tế thị trấn Me vẫn đầy đủ số lượng và chủng loại cây theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Những loại cây thuốc nam được sưu tầm và trồng thành từng khu vực và có bảng giới thiệu khá chi tiết. Bà Đinh Thị Len, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Me cho biết, hiểu rõ tác dụng của vườn thuốc nam trong việc điều trị đông-tây y kết hợp, thời gian qua, chúng tôi đi sưu tầm ở những hộ dân trong thị trấn, thậm chí đến các trạm y tế có vườn cây thuốc nam mẫu đạt chuẩn để tham khảo, nhân giống… Đến nay, vườn cây thuốc nam mẫu khá đa dạng về chủng loại cây như: ngải cứu, chanh, sả, tía tô, gừng, hẹ, rẻ quạt, đinh lăng, hương nhu, xạ đen, kim ngân… Những loại thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, đau nhức cơ xương khớp… Mỗi khi có người dân đến thăm, khám bệnh, chúng tôi kết hợp giới thiệu đến bà con hiểu tác dụng của các loài cây gần gũi trong vườn nhà để điều trị những bệnh thông thường, hạn chế việc dùng thuốc kháng sinh.
Từ sự giới thiệu của các cán bộ Trạm y tế thị trấn, chị Dương Thị Thu Hương, phố Thống Nhất (thị trấn Me) cũng kỳ công xây dựng một vườn cây thuốc nam nho nhỏ trong khu vườn của mình. Chị Hương cho biết, bản thân chị và người dân trong thị trấn đã dần hình thành thói quen sử dụng các loại cây thuốc nam có sẵn trong vườn để điều trị các loại bệnh thông thường. Nếu loại cây nào không có sẵn thì ra vườn thuốc nam của trạm y tế xin về trồng, vì dùng thuốc nam tuy tác dụng chậm hơn thuốc tây nhưng thường không có tác dụng phụ. Tôi có con nhỏ, bé hay mắc bệnh về đường hô hấp, nhất là trong thời điểm giao mùa, vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc tây y theo đơn kê của bác sĩ, tôi xin lá hẹ, húng, chanh hấp mật ong cho con uống để giảm cơn ho, hiệu quả cho thấy rất tốt.
Trạm y tế xã Gia Phú mới được xây dựng lại với hệ thống cơ sở vật chất khá đầy đủ, hiện đại. Vườn cây thuốc nam đang trong quá trình sưu tầm, nhân giống. Tuy vậy, để thông tin đến bà con những hiệu quả, tác dụng của cây thuốc nam, trạm y tế xã đã in bộ tranh thuốc nam khổ lớn, treo ở hội trường rộng rãi, thuận tiện cho việc tìm hiểu của nhân dân. Trạm trưởng Phạm Viết Huân cho biết, nhiều cây chưa kịp trồng ở vườn thuốc nam mẫu sẽ được giới thiệu đến người dân qua những bức tranh này. ở dưới mỗi hình ảnh cây thuốc có giới thiệu tên, tác dụng và cách dùng từng bộ phận của cây thuốc để bà con dễ nhớ, dễ thuộc. Nhờ đó, nhận thức, kiến thức của bà con về sử dụng đông y trong điều trị bệnh đã có chuyển biến rõ nét. Tính riêng trong năm 2018, trong tổng số 1.874 lượt bệnh nhân tới khám thì những bệnh nhân kết hợp điều trị bằng phương pháp đông y chiếm 35%. Đặc biệt, từ năm 2017, Trạm y tế đã huy động từ nguồn xã hội hóa, đầu tư bộ vật lý trị liệu phục hồi chức năng với tổng trị giá 380 triệu đồng. Với hệ thống máy này sẽ phục vụ hiệu quả việc điều trị, phục hồi chức năng cho những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.
Theo Trung tâm y tế huyện Gia Viễn, hiện nay, trong tổng số 21 xã, thị trấn thì đã có 15 đơn vị xây dựng được vườn thuốc nam mẫu theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, còn lại là các xã sử dụng các bộ tranh trong giới thiệu cây thuốc nam. Theo ông Đặng Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Gia Viễn, việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ có mục đích giới thiệu về cây thuốc nam và cách sử dụng, mà còn có tác dụng khuyến khích người dân nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần. Vườn thuốc còn tạo điều kiện để các trạm y tế kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa tiết kiệm được chi phí cho nhân dân. Vì vậy, Trung tâm y tế huyện Gia Viễn đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đẩy mạnh giới thiệu những chế phẩm đông y...
Tuy nhiên có một khó khăn đối với việc kết hợp đông-tây y trong điều trị bệnh là tình trạng thiếu bác sĩ đông y ở các trạm y tế. Hiện nay, ở 21 xã, thị trấn mới chỉ có 2 bác sĩ đông y, 6 y sĩ y học cổ truyền, còn lại là 13 y sĩ định hướng y học cổ truyền. Để nâng cao trình độ cho những người làm công tác y học cổ truyền, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ lương y, lương dược ở cơ sở. Do đó, các trạm y tế đã cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu kết hợp đông-tây y trong điều trị bệnh. Đến nay, tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị đông y chiếm 35% trong tổng số các ca khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế ở Gia Viễn.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng