Phóng viên (P.V): Là địa phương hàng năm thường chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai lại có nhiều diện tích gieo cấy ngoài đê, đồng chí cho biết, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất tham mưu với UBND huyện, các ngành chức năng như thế nào để thực hiện kế hoạch và mục tiêu đã đề ra?
Đ/c Đinh Anh Tuấn: Phòng Nông nghiệp và PTNT sớm tham mưu UBND huyện tổ chức hội nghị tổng kết vụ đông xuân 2018-2019 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2019-2020. Phòng đã bám sát điều kiện thực tế, xây dựng lịch thời vụ kịp thời cho công tác sản xuất. Huyện và các ngành đã tập trung ưu tiên đầu tư nhiều cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp (hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật đầu vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ...). Bám sát thực tiễn sản xuất, dự báo đúng tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân phù hợp, chỉ đạo tập trung, đồng bộ từ huyện đến cơ sở để đảm bảo kế hoạch sản xuất, nhất là thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu trà lúa, giống lúa, các biện pháp kỹ thuật ứng phó với các biến động của thời tiết, dịch hại. Công tác dự báo sâu, bệnh hại phải thường xuyên, đảm bảo sát, đúng về thời gian phát sinh, quy mô và mức độ gây hại nhằm đưa ra các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, đảm bảo "4 đúng" để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra góp phần rất quan trọng cho vụ sản xuất đông xuân thắng lợi.
Vụ đông xuân năm nay, Gia Viễn có kế hoạch sản xuất 6.535 ha, trong đó có 6.035 ha lúa, thì có khoảng 700 ha lúa trà sớm ngoài đê và lúa cá trong đồng, ngay từ đầu vụ Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện tổ chức sản xuất đảm bảo khung thời vụ hoàn thành xong việc gieo cấy trước 15/01/2020 đảm bảo thu hoạch trước 20/5/2020. Đây là diện tích chủ yếu nằm ở trà xuân sớm (chiếm khoảng 10%) cấy ở vùng ngoài đê tránh tiểu mãn và diện tích trũng ở trong đồng, sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn và gieo sớm để thu hoạch sớm trước lũ tiểu mãn. Chủ yếu là các giống lúa Nhị ưu 838, Thục hưng 6, Thái xuyên 111, CT16, KD18...
P.V: Đến nay, tiến độ sản xuất vụ đông xuân 2019- 2020 có gặp những khó khăn gì, đâu là giải pháp khắc phục thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Anh Tuấn: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vụ đông xuân năm nay được dự báo là vụ đông xuân ấm, khó khăn lớn nhất trên địa bàn là sự sinh trưởng, phát triển của chuột hại có mật độ tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm. Vì thế, công tác diệt chuột phải được tiến hành sớm, tập trung, đồng loạt, liên tục và mang tính cộng đồng mới đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, Phòng đã chủ động tham mưu với các cấp, ngành sớm các biện pháp đối phó với điều kiện thời tiết bất thuận xảy ra để hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho sản xuất. Chủ động trong thanh tra, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp, phát hiện, đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời. Phòng đã tham mưu UBND huyện Gia Viễn tổ chức ra quân vệ sinh đồng ruộng, trích ngân sách huyện cấp gần 180 kg thuốc chuột để các HTX nông nghiệp tổ chức diệt chuột ngay từ đầu vụ để bảo vệ sản xuất.
P.V: Để thực hiện tốt kế hoạch mục tiêu, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã có những giải pháp nào?
Đ/c Đinh Anh Tuấn: Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ làm tốt công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất. Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất; kịp thời phát hiện và đề xuất các biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra về chất lượng giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn huyện, hạn chế tình trạng các cửa hàng, đại lý kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng giả … ảnh hưởng đến sản xuất. Thường xuyên phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp phụ trách cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị làm tốt công tác bảo vệ thực vật bảo vệ sản xuất. Phòng tích cực phối hợp Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người dân. Xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, dễ áp dụng để nhân ra diện rộng. Tiếp tục trình diễn, mở rộng quy mô, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác mới để nông dân thăm quan, học tập. Phối hợp với Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện xây dựng kế hoạch tưới, tiêu theo lịch xả nước của Trung ương đảm bảo nguồn nước tưới, không để tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Đường