Trong định hướng giảm nghèo, huyện Gia Viễn xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Và để phát triển nông nghiệp thì vấn đề mấu chốt là phải nâng cao chất lượng lao động nghề nông.
Theo định hướng đó, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp&PTNT tranh thủ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường đào tạo nghề cho nông dân và các chủ trang trại. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn KHKT tại các thôn, xã cho bà con, hướng dẫn bà con biết làm nghề nông một cách khoa học, có kiến thức thị trường để lựa chọn sản xuất những loại nông sản có giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng… Nhờ đó, cơ cấu mùa vụ, cây trồng dần được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa. Diện tích cây màu được mở rộng lên 3.930,5 ha. Việc đẩy mạnh hỗ trợ giống, vốn, tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm của từng địa phương, huyện đã triển khai nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi như: mô hình 1 lúa + 1 cá (Gia Trung, Gia Hòa, Gia Minh), cải tạo ruộng trũng để nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, mô hình chuyển đổi ruộng cao, khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi ngày càng phát triển với tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đạt gần 500.000 con với nhiều mô hình trang trại lớn. Nhiều vùng trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn, nay đã có chuyển biến rõ rệt, dần trở thành vùng nuôi con đặc sản, giúp đời sống của người nghèo nói riêng và nhân dân trong huyện nói chung không ngừng được cải thiện.
Bên cạnh nỗ lực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, huyện Gia Viễn còn đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm, giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Huyện đã lựa chọn những xã nghèo, xã có diện tích đất bị thu hồi để xây dựng kế hoạch dạy nghề. Huyện cũng hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người lao động chọn nghề phù hợp để đăng ký học. Những lao động có nhu cầu học nghề đều phải làm đơn, có dấu xác nhận của chính quyền xã thì huyện mới sắp xếp cho học, tránh tình trạng người lao động học nghề theo phong trào.
Căn cứ vào nhu cầu của thị trường và thế mạnh của địa phương, huyện đã mở các lớp dạy nghề như đan bèo bồng, thêu ở các xã Gia Phong, Gia Minh, Gia Lạc, Gia Trung; thêu ren, trồng nấm, làm tăm hương, mây tre đan ở các xã Gia Xuân, Gia Trấn, Gia Tân, Gia Phong, Gia Minh, Gia Lạc, Gia Phú; trồng nấm rơm, nấm mỡ ở các xã Gia Phong, Gia Minh, Gia Lạc. Bên cạnh đó, huyện cũng có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất ở vùng nghèo, xã nghèo. Sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng nghèo, xã nghèo đã giúp cho hàng nghìn lao động nông thôn có việc làm mới. Tính riêng năm 2012, toàn huyện đã tổ chức dạy nghề cho 688 lao động, đạt 100% kế hoạch, giải quyết việc làm cho 5.650 lao động, vượt 0,9% kế hoạch.
Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể trong huyện cũng tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ người nghèo thông qua các quỹ, như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Khuyến học, Quỹ Vì người nghèo... Từ năm 2012 đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 125 căn nhà cho hộ gia đình chính sách, huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ 102 hộ gia đình nghèo xây mới nhà ở, tiếp nhận gần 300 con bê, nghé giống cho hộ nghèo, trên 22.000 lượt người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có quân nhân đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội đến thăm, tặng quà, chúc Tết, trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương còn phối hợp với các ngành chức năng cấp thẻ BHYT, giấy chứng nhận hộ nghèo cho các đối tượng đã được bình xét nhằm giúp các hộ nghèo được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục…
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh xuống còn 6,84% (năm 2012), giảm 1,54% so với năm 2011, vượt 1,16% kế hoạch; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,57%, giảm 0,53% so với năm 2011.
Thu Hằng