Tại cánh đồng của xã Gia Trung, chỉ còn một vài mảnh ruộng nhỏ đang được nông dân tập trung cấy nốt diện tích. Chị Nguyễn Thị Thương, HTX Hoàng Long cho biết: Vụ mùa này gia đình tôi cấy 1,3 mẫu ruộng. Nhà ít lao động nên tôi phải đổi công và thuê thêm 3 công cấy. Đến hôm nay mới cấy xong, chậm nhất so với bà con trong HTX nhưng tôi vẫn yên tâm vì khung thời vụ vẫn còn khá dài. Vụ mùa năm nay, tôi cấy các giống Khang Dân, chất lượng cao và Nếp 97. Cấy xong diện tích này, tôi lại bắt tay vào chăm sóc cho diện tích lúa đã cấy hơn một tuần trước. Cây lúa cũng đã lên xanh tốt rồi. Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, huyện Gia Viễn gieo cấy trên 5.600 ha, trong đó trà mùa sớm chiếm 50% diện tích; trà mùa trung chiếm 45%, còn lại là mùa muộn. Về cơ cấu giống, lúa thuần chiếm 60% diện tích (trong đó 5% là giống đặc sản), với các giống lúa thuần như: Khang dân 18, ải, LT2, Hương thơm số 1, QR1, Tám, Dự, Bắc thơm số 7…; diện tích lúa lai chiếm 40% diện tích, chủ yếu là các giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng cao như Phú ưu 1, Phú ưu 2, Phú ưu 978, Đại dương 1, Bắc ưu 903….
Đồng chí Bùi An Khang, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gia Viễn cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, nếu gieo cấy chậm khung thời vụ thì sẽ bị sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất. Do vậy, huyện chỉ đạo nông dân các xã vừa khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân, vừa đồng thời cày bừa để gieo cấy lúa mùa đúng thời vụ. Chưa năm nào huyện Gia Viễn lại thu hoạch lúa đông xuân và cấy lúa mùa nhanh như năm nay, nếu tính cả thu hoạch vụ đông xuân và gieo cấy vụ mùa, bà con nông dân thực hiện trong thời gian hơn 1 tháng. Theo đó, đến hết ngày 9-7-2013, toàn huyện đã gieo cấy xong toàn bộ diện tích mạ với hơn 560 ha, sớm hơn lịch thời vụ 5 ngày. Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn và khảo nghiệm giống mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao. Có dự phòng mạ 10% bằng các giống ngắn ngày.
Các giải pháp kỹ thuật thâm canh được tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt. Các xã, HTX thu hoạch nhanh gọn lúa đông xuân với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế thiệt hại do mưa bão và để giải phóng đất cho sản xuất vụ mùa. Các HTX tổ chức tốt dịch vụ làm đất, các chủ phương tiện thống nhất đơn giá, phân vùng diện tích cho từng chủ phương tiện, giao rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo chất lượng làm đất theo yêu cầu. Trước yêu cầu thời vụ gieo cấy nên gặt đến đâu phải cày lật đất đến đó để gốc rạ phân giải nhanh nhằm hạn chế các bệnh sinh lý như bệnh vàng lá nghẹt rễ; trường hợp cày lật gốc rạ cần bón thêm vôi bột với lượng từ 10-15kg/sào để đẩy nhanh quá trình phân hủy tàn dư thực vật, đặc biệt là những chân ruộng vụ đông xuân đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen; đồng thời chủ động giữ nước từ khi lúa trỗ đến khi thu hoạch tạo điều kiện để làm đất gieo cấy vụ mùa.
Hiện nay bà con nông dân huyện Gia Viễn đã chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa. Nói về kỹ thuật chăm sóc cho lúa vụ mùa, đồng chí Vũ Hữu Lương, cán bộ kỹ thuật phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gia Viễn cho biết: Để đảm bảo bón đúng, bón đủ, bón cân đối NPK nhằm giành năng suất cao, hạn chế sâu bệnh gây hại, vùng ruộng trũng có thể giảm bớt 1-2kg đạm, thay thế bằng kali; có thể thay bón phân lân bằng phân tổng hợp NPK, căn cứ vào tỷ lệ NPK có trong phân để giảm bớt lượng đạm. Sau khi cấy 7-10 ngày, khi cây lúa bén rễ hồi xanh ra lá mới, lúc này bắt đầu bón thúc lần 1, ngoài bón lượng đạm và kali phù hợp cần kết hợp làm cỏ sục bùn để vùi phân vào sâu trong đất, hạn chế mất dinh dưỡng.
Công tác phòng trừ sâu bệnh đã được Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện lên kế hoạch chỉ đạo cụ thể, sâu sát theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lúa. Phòng Nông nghiệp huyện yêu cầu các xã, HTX, bà con nông dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện dịch hại, nhất là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen hại lúa. Thực hiện phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện đúng quy trình thâm canh, coi trọng công tác dự tính, dự báo sâu bệnh để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại để có phương án phòng trừ kịp thời khi đến ngưỡng. Các HTX tiếp tục củng cố và xây dựng tổ dự tính, dự báo sâu bệnh để thường xuyên kiểm tra đồng ruộng theo thông báo của Trạm bảo vệ thực vật; đồng thời hướng dẫn các hộ xã viên phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng, nồng độ). Khuyến cáo các xã, HTX và bà con nông dân chủ động công tác diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó coi trọng các biện pháp thủ công như đánh bẫy, đào bắt, soi đèn cực mạnh... Các HTX cần lập quỹ diệt chuột để tổ chức đánh bắt tập trung, khi cần thiết có thể sử dụng thuốc gây chết chậm…
Bài, ảnh: Huy Hoàng