Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ của huyện thời gian qua? Đ/c Đinh Thị Thúy: Công tác DS- KHHGĐ của huyện Gia Viễn trong những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên luôn giữ mức ổn định từ 0,7%-0,72%; tổng tỷ suất sinh đạt mức sinh thay thế duy trì ổn định là 2,0 con; tỷ suất sinh giảm xuống còn dưới 14,8%0; đến nay có 79/265 địa bàn có từ 2-19 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên; tỷ số giới tính khi sinh đang giữ ở mức cân bằng là 102 nam/100 nữ; tỷ lệ đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại tăng lên gần 80%…
Để đạt được kết quả đó, hàng năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác hàng tháng, quý. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Các đợt chiến dịch truyền thông được thực hiện trên phạm vi 21/21 xã, thị trấn với 259/259 địa bàn thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai thường xuyên với hình thức và nội dung phong phú, thu hút hàng nghìn người tham gia, đồng thời huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội. Tổ chức thực hiện chiến dịch, toàn huyện đã treo băngzôn, panô, áp phích, phát tin, bài trên đài truyền thanh, 100% xã, thị trấn tổ chức ra quân chiến dịch. Bên cạnh đó, công tác tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn tại nhà được các xã, thị trấn triển khai cả trước, trong và sau chiến dịch. Đối tượng tư vấn tập trung vào các cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh 2 con và sinh con thứ 3 trở lên. Nhiều xã đã tổ chức ngay tại điểm cung cấp dịch vụ các hội nghị chuyên đề theo từng nhóm đối tượng, đối thoại với đối tượng nhằm giải đáp những thắc mắc cho họ. Thông qua các đợt chiến dịch, tỷ lệ ca áp dụng các biện pháp tránh thai đều vượt kế hoạch.
PV: Hiện nay, ở nhiều địa phương, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức đáng báo động. Thế nhưng, huyện Gia Viễn lại giữ được mức cân bằng giới tính khá lý tưởng với tỷ lệ 102 bé trai/100 bé gái. Đồng chí có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của ngành trong việc duy trì ổn định mức cân bằng giới tính khi sinh?
Đ/c Đinh Thị Thúy: Một thuận lợi đối với công tác DS-KHHGĐ của huyện Gia Viễn đó chính là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao của Huyện ủy, UBND huyện và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn. Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể đối với công tác DS-KHHGĐ theo từng thời điểm. UBND huyện cũng đã phát động phong trào thi đua giảm tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trên phạm vi toàn huyện. Những cách làm hiệu quả trong công tác giảm sinh con thứ 3 của các thôn, xã sẽ được tập hợp, trở thành "cẩm nang" cho các xã khác tham khảo…Huyện luôn gắn kết công tác truyền thông, giáo dục với đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định những trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Đưa công tác DS-KHHGĐ thành một nội dung quan trọng trong chương trình công tác trọng tâm hàng năm, lấy kết quả thực hiện mục tiêu DS-KHHGĐ là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước của các tập thể, cá nhân...
Đặc biệt, nắm bắt được tình hình và hệ lụy nghiêm trọng của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện triển khai đồng bộ và có hiệu quả mô hình "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh". Hoạt động của mô hình là tăng cường tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và thông qua phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp thông tin qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho nhân dân thực hiện quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính. Tại các xã đã thành lập và duy trì Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, tổ chức được nhiều buổi truyền thông trực tiếp, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên dân số của huyện đã hoạt động rất hiệu quả. Với việc đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình dân số ở cơ sở, từ đó nắm bắt được thực trạng về số lượng trẻ em, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ... để tập trung tuyên truyền, vận động...
PV: Chủ đề của Ngày Dân số Việt Nam năm nay là "Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi" Vậy Trung tâm đã triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng?
Đ/c Đinh Thị Thúy: Theo thông tin từ Tổng cục Dân số- KHHGĐ (Bộ Y tế), số người cao tuổi tăng đã khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân Việt Nam đã được nâng cao. Đặc biệt, vai trò của người cao tuổi rất quan trọng bởi họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có thể tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và đất nước.
Với thông điệp "Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi" làm chủ đề cho Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12, đồng thời coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, từ đó, nâng cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề chăm sóc người cao tuổi, hướng tới xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để Tháng hành động quốc gia về dân số đi vào thực chất, đạt những hiệu quả thiết thực, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Gia Viễn đã đẩy mạnh công tác truyền thông, thông qua việc cấp phát tài liệu, phát các tin, bài tuyên truyền về Dân số - KHHGĐ trên hệ thống phát thanh của huyện, của xã, thị trấn. Đồng thời, Trung tâm cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức các hoạt động phổ biến rộng rãi ý nghĩa, chủ đề Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam như: nói chuyện chuyên đề, giao lưu, biểu dương điển hình tiên tiến… đẩy mạnh hoạt động tư vấn cộng đồng về công tác Dân số - KHHGĐ…
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thu Hằng (thực hiện)