Mức độ lây lan nhanh Theo báo cáo của UBND huyện Gia Viễn, toàn huyện có gần 2.800 hộ chăn nuôi với 44.917 con lợn; chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác trong các khu dân cư...
Trường hợp đầu tiên phát hiện dịch tả lợn châu Phi là tại hộ chăn nuôi ông Đỗ Văn Hạo, xóm 2 Phương Đông, xã Gia Thanh với 65 con lợn gồm 10 con nái, 27 con lợn thịt, 19 con lợn choai, 9 con lợn con, trong đó: có 2 lợn đã chết và một số con ốm.
Ngay sau khi nhận được báo cáo, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã xuống kiểm tra thực tế, hướng dẫn hộ chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tổ chức lấy 3 mẫu máu của lợn ốm gửi đi xét nghiệm; đồng thời hướng dẫn UBND xã, hộ gia đình cho tiêu hủy số lợn chết và tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi của hộ gia đình theo đúng quy định và tiếp tục thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn….
Khi có kết quả của Chi cục Thú y vùng I là dương tính vi rút dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện ban hành Quyết định số 2102/QĐ-UBND về việc công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 1 hộ chăn nuôi tại xã Gia Thanh, đồng thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các đơn vị chức năng, UBND xã Gia Thanh và hộ chăn nuôi tiến hành tiêu hủy toàn bộ 62 con lợn còn lại của hộ chăn nuôi theo đúng quy định; Giao Trạm Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn UBND xã thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại xóm 2, Phương Đông và một đội kiểm tra lưu động của xã để kiểm tra ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực xung quanh và nơi tiêu hủy lợn chết, tổ chức vệ sinh tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi trên địa bàn toàn xã...
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh trên địa bàn các tỉnh lân cận cũng như trong tỉnh, UBND huyện đã tổ chức Hội nghị cấp bách tiếp tục quán triệt thực hiện các biện pháp phòng, chống, khống chế, ngăn chặn, dập tắt dịch tả lợn châu Phi cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã; tiếp tục cấp hóa chất do tỉnh hỗ trợ, vôi bột và tổ chức thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập tắt dịch bệnh, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Tổ công tác thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, tình hình dịch tả lợn diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Tính đến thời điểm ngày 6/5/2019, trên địa bàn huyện Gia Viễn có 10 xã, thị trấn là: Gia Thanh, Gia Thịnh, Gia Minh, Gia Phương, Gia Vân, Gia Hòa, Liên Sơn, Gia Lạc, Gia Trung, thị trấn Me có dịch tả lợn châu Phi.
UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tiêu hủy 868 con lợn với trọng lượng là 35.357 kg của 97 hộ chăn nuôi tại 19 thôn (xóm) theo đúng quy trình, quy định. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các Tổ công tác, UBND các xã, thị trấn triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng bao vây dập dịch theo quy định.
Triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của huyện đã triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các hộ chăn nuôi triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, UBND huyện tổ chức tập huấn cho 86 cán bộ thú y, chăn nuôi cấp huyện, thú y cơ sở và các hộ chăn nuôi lớn về các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Đồng thời, huyện đã tiếp nhận và cấp hóa chất do Trung ương, tỉnh hỗ trợ để thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các chợ, các hộ chăn nuôi lớn; đồng thời hỗ trợ vôi bột, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tự mua vôi bột tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và khu vực xung quanh chuồng trại để phòng, chống dịch với tổng lượng hóa chất đã tiếp nhận và cấp phát là 3.000 lít hóa chất khử cho các xã, thị trấn; UBND huyện đã cấp 109 tấn vôi bột cho các xã, thị trấn để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Cùng với các biện pháp phòng dịch tại chỗ, UBND huyện đã lập 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời của huyện tại đầu mối giao thông thôn Đá Hàn, xã Gia Hòa và chốt cầu Đế, xã Gia Phú; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch động vật tại chốt cầu Khuốt, xã Gia Thanh; đồng thời thành lập các tổ công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các xã, thị trấn thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn: Hiện công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi còn gặp nhiều khó khăn bất cập do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, rải rác; ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ thú y cấp xã mỏng, cán bộ chuyên môn thiếu nên việc thành lập các chốt kiểm dịch chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng; công tác chỉ đạo tại một số địa phương chưa quyết liệt, còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại từ cấp trên.
Đặc biệt, hiện nay chưa có vắc xin khống chế dịch tả lợn châu Phi gây khó khăn trong việc dập dịch. Việc tiêu hủy lợn với số lượng lớn đã gây khó khăn cho một số địa phương do không bố trí được địa điểm tiêu hủy.
Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng về diễn biến tình hình dịch bệnh để nâng cao ý thức của người dân trong việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; chủ động khai báo khi có dịch bệnh trên đàn lợn.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn nơi có dịch tập trung thực hiện các biện pháp khoanh vùng khống chế, dập dịch nhanh gọn theo đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh kịp thời và yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi không giết mổ, không bán chạy lợn bị bệnh dịch.
Duy trì hoạt động 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời. UBND các xã, thị trấn có nhiệm vụ thống kê, rà soát lại toàn bộ tổng đàn chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện để theo dõi, kiểm soát phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn xã, thị trấn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ hóa chất để triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên phạm vi toàn huyện; quan tâm hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nhất là kinh phí tiêu hủy lợn cho các hộ chăn nuôi bị dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình tiếp tục hỗ trợ huyện về nhân lực và chuyên môn kỹ thuật để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Nguyễn Thơm