Có thể nói, đây là sự nỗ lực rất lớn của huyện trong công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, với phương châm "phòng bệnh là chính": nâng cao chất lượng tiêm phòng, khử trùng, tiêu độc, an toàn sinh học trong chăn nuôi. Khi tỷ lệ tiêm phòng cao thì từ miễn dịch cá thể sẽ tạo nên miễn dịch khép kín trong quần thể với khả năng bảo hộ cao, chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vụ xuân hè năm 2008, huyện đã có gần 848 nghìn lượt con gia cầm được tiêm vắc xin cúm gia cầm (đạt tỷ lệ 119%), tiêm phòng tụ huyết trùng, lở mồm, long móng đều đạt tỷ lệ trên 87%...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiêm phòng của huyện vẫn còn một số tồn tại như: Tỷ lệ tiêm phòng chưa cao, đặc biệt là việc tiêm phòng trên gia súc đạt tỷ lệ rất thấp. Đa số các chủ hộ chăn nuôi còn trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, các loại vắc xin tiêm phòng được Nhà nước hỗ trợ thì tỷ lệ tiêm phòng cao hơn, còn nếu phải bỏ tiền ra thì công tác tiêm phòng gần như bỏ ngỏ. Ví dụ năm 2008, trong tổng số gần 44 nghìn con lợn của huyện thì chỉ có dưới 6 nghìn con được tiêm phòng bệnh tụ dấu, dịch tả, tai xanh (đạt tỷ lệ chưa đến 14%).
Hiện nay, huyện đang triển khai tiêm phòng vụ xuân cho đàn gia súc gia cầm. Năm 2009, huyện đề ra kế hoạch tiêm 5 nghìn liều tụ huyết trùng trên trâu, bò, 15 nghìn liều tụ dấu, dịch tả ở đàn lợn và 10 nghìn liều vắc xin lở mồm, long móng. Riêng đàn gia cầm sẽ tiêm 1.650 nghìn liều, trong đó vụ xuân hè là 810 nghìn liều, vụ thu đông 800 nghìn liều.
Ông Phạm Hồng Minh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Vấn đề khó khăn nhất của huyện trong việc triển khai tiêm phòng hiện nay là một số xã vùng xả lũ, bị úng lụt cuối năm 2008 vẫn chưa khắc phục hết hậu quả, cơ sở vật chất bị hư hại nhiều. Hơn thế nữa, đã xuất hiện tâm lý chủ quan ở một bộ phận người dân, họ không quan tâm nhiều đến việc phòng, chống dịch bệnh, không tạo điều kiện cho cán bộ thú y đến tiêm phòng. Thời gian tới là thời điểm một số hộ tiến hành nuôi vịt gột đón vụ mùa, thời gian nuôi chỉ trong khoảng 2-3 tháng và chủ yếu là nuôi ngay ngoài đồng nên việc quản lý, tiêm phòng cho đối tượng vịt chạy đồng này rất phức tạp.
Để khắc phục những khó khăn trên, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt trên hệ thống truyền thanh 3 cấp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh, những quyền lợi sẽ không được hưởng nếu người dân không tiêm phòng… UBND các xã, thị trấn lập kế hoạch cụ thể, chi tiết, tổ chức họp dân để quán triệt công tác tiêm phòng, thông báo rộng rãi đến nhân dân về kế hoạch, thời gian tiêm phòng cụ thể tại từng thôn, xóm. Kiên quyết lập biên bản trường hợp hộ chăn nuôi cố tình không tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho động vật thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tổ chức chỉ đạo thực hiện tiêm phòng triệt để, dứt điểm, an toàn theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Đối với gia súc, bắt đầu tiến hành tiêm từ ngày 10-3 và kết thúc vào ngày 10-4. Thời gian tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm lần 1 trong tháng 4, lần 2 vào tháng 5-2009.
Vấn đề quan trọng nhất trong công tác thú y là tiêm phòng dịch để bảo vệ gia súc, gia cầm trước nguy cơ của dịch bệnh. Vì vậy, việc tập trung tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đúng thời điểm, đúng liều lượng sẽ góp phần ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi và cũng là cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích kinh tế của người dân.
Nguyễn Lựu