Gia Viễn có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp như: Nguồn lao động dồi dào, được quan tâm đào tạo; hệ thống giao thông thuận tiện, đã và đang được đầu tư nâng cấp khá hiện đại, các con sông chảy qua địa bàn huyện có lượng phù sa cao, thường xuyên bồi trúc tạo thành nhiều mỏ đất sét là nguyên liệu để sản xuất gạch đất nung; huyện còn có 2.218 ha núi đá vôi, chất lượng tốt phục vụ cho các nhà máy xi măng. Phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó, Gia Viễn đã xây dựng và tích cực triển khai nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư, mời gọi các thành phần kinh tế tham gia phát triển CN - TTCN trên địa bàn. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào huyện đều được hưởng các chính sách khuyến khích ưu đãi theo quyết định của tỉnh. Huyện cũng tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng nhanh, đảm bảo tốt về an ninh trật tự.
Đến thời điểm hiện tại, diện tích đất quy hoạch để phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã cơ bản được lấp đầy: Khu công nghiệp Gián Khẩu đang hoạt động sôi động, Cụm công nghiệp Gia Thanh bước đầu phát huy hiệu quả, chỉ tính riêng 3 công ty sản xuất chế biến đá và 1 nhà máy sản xuất gạch ngói hàng năm đã đạt giá trị sản xuất trên 70 tỷ đồng. Cụm công nghiệp Gia Vân với diện tích 20 ha, tập trung sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong lúc nông nhàn. Ngoài ra, một số dự án đang làm thủ tục cấp phép đầu tư như: Nhà máy gạch Xuân Quyền công suất 15 triệu viên/năm, Nhà máy gạch Hoa Tiên công suất 20 triệu viên/năm.
Các làng nghề truyền thống phát triển rộng khắp, sôi động ở các xã, thị trấn trong huyện. Hiện nay, huyện đã có 4 làng nghề đã được công nhận là: nghề đan lát ở Gia Trung, nghề thêu ren ở Gia Xuân, nghề đóng tàu ở Đồng Chưa, nghề xây dựng ở Gia Lập.
Nhờ vậy, giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn hàng năm không ngừng tăng lên. Năm 2005 đạt giá trị 60,3 tỷ đồng, năm 2009 là 1.100 tỷ đồng và năm 2010 là 1.600 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 37,48%/năm, vượt 7,48% so với mục tiêu đề ra.
Ông Trần Quốc Sử, Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: Để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, quan trọng nhất là huyện đã làm tốt khâu giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó thủ tục cấp phép đầu tư cũng được đơn giản hóa, nhanh gọn. An ninh trật tự các khu vực sản xuất được đảm bảo.
Nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn khá thuận lợi. Tuy nhiên huyện còn trăn trở là làm thế nào để các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được mở rộng và đem lại giá trị kinh tế cao hơn nữa bởi thực tế các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp hiện rất khó khăn trong việc tìm đầu ra do sức cạnh tranh còn thấp. Ví dụ như nghề thêu ren, hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị đặt hàng, không mở rộng được;nghề đan lát thì phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhựa.
Xác định CN - TTCN vẫn là mũi nhọn đột phá tăng trưởng, kế hoạch 5 năm từ 2011-2015, huyện sẽ tập trung phát triển mạnh cả về quy mô và giá trị sản xuất CN-TTCN. Phấn đấu tỷ trọng CN - TTCN và dịch vụ đạt 60% giá trị sản xuất trên địa bàn, tốc độ tăng trưởng CN - TTCN bình quân 15%/năm. Để đạt được mục tiêu đó, huyện Gia Viễn chủ trương đẩy mạnh một số ngành công nghiệp tiềm năng như vật liệu xây dựng, đóng tàu, sản xuất hàng tiêu dùng... đảm bảo an ninh trật tự trị an, môi trường kinh doanh thuận lợi để các nhà kinh doanh mở rộng, phát triển sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút lao động địa phương đặc biệt ưu tiên những nơi, những hộ gia đình có diện tích canh tác phải thu hồi cao. Về tiểu thủ công nghiệp, tập trung đẩy mạnh và phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống như thêu ren, mây tre đan, mộc. Tranh thủ tối đa các nguồn kinh phí để hỗ trợ các xã, thị trấn mở các lớp dạy nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các ngành nghề mới, sản phẩm mới. Quan tâm tới xây dựng thương hiệu tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Nguyễn Lựu