Huyện Gia Viễn có trên 68 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 55,6% dân số, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 36,38%, số lao động chưa được đào tạo nghề trên 43 nghìn người. Phần lớn lực lượng lao động nông thôn chưa qua đào tạo, có trình độ khoa học kĩ thuật trong canh tác cũng như kỹ thuật thực hành các ngành nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu với sự phát triển của xã hội. Huyện cũng xác định đào tạo nghề là một trong những nội dung chủ yếu để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Những năm qua, huyện Gia Viễn đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân, gắn dạy nghề với nhu cầu việc làm. Ngoài ra, để nắm được thực trạng sử dụng lao động và nhu cầu nguồn lực theo cơ cấu nghề của các doanh nghiệp, huyện đã tổ chức đi khảo sát, thống kê lực lượng lao động và nhu cầu lao động còn thiếu và yếu. Để từ đó, khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động và xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động tại địa phương.
Ông Đinh Phúc Dật, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Gia Viễn cho biết: Qua khảo sát, thực tế thời gian tham gia sản xuất nông nghiệp của nông dân trong huyện chỉ mất khoảng 5-6 tháng/năm, thời gian 6 tháng còn lại là thời gian nông nhàn, trong khi nhu cầu chi tiêu cho sinh hoạt, học hành ngày càng tăng. Mặt khác, do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, diện tích đất nông nghiệp ngày cành bị thu hẹp, đất nông nghiệp dành cho xây dựng Khu công nghiệp và du lịch tới hàng trăm ha, nguồn lao động dôi dư do thu hồi đất lên đến hàng nghìn người, cộng với lao động nông nhàn của các xã nghèo trên địa bàn huyện là rất lớn...
Trước thực tế đó, huyện đã đề ra nhiều giải pháp để giúp người nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nâng cao đời sống, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trong toàn huyện.
Để gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện Gia Viễn đã chọn những ngành nghề dễ làm, dễ tiêu thụ sản phẩm, dễ bảo quản, phù hợp với khả năng, trình độ người nông dân như nghề chẻ tăm hương, mây tre đan, cói se đan cũi sắt, móc sợi, đính hạt cườm, gỗ mĩ nghệ, may công nghiệp, nghề điện, nghề cơ khí... Đồng thời, huyện chọn đơn vị có kỹ thuật tốt để triển khai giảng dạy và thực hành ngành nghề hiệu quả nhất; chọn đơn vị có năng lực về nguồn vốn, khả năng thu mua sản phẩm của người sản xuất để người lao động yên tâm đầu ra cho sản phẩm, ngành nghề mình theo học. Cùng với đó, để duy trì nghề, xã thành lập đội vệ tinh thu mua hàng hóa cho người lao động tại chỗ. Huyện cũng có hỗ trợ cho những đơn vị vệ tinh được vay vốn để trang trải hoạt động... Do đó, đã có 70% lao động được học nghề đã duy trì được nghề, có những nghề đã trở thành nghề truyền thống của địa phương như: nghề may ở xã Gia Hưng; thêu ren ở xã Gia Lập, Gia Xuân; nghề chẻ tăm hương ở Gia Phương; nghề mộc ở Gia Thịnh...
Năm 2010, huyện đã tổ chức được 8 lớp đào tạo nghề cho 1.390 học viên, tập trung đào tạo các nghề như may, thêu ren, chẻ tăm hương, đan cói, đồ gỗ mỹ nghệ... với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã thí điểm triển khai dạy nghề, đưa nghề đan cói, móc sợi và đính hạt cườm cho 400 lao động tại xã Gia Hòa, bước đầu đạt được kết quả tốt. Đây là mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương khác trong huyện.
Đi đôi với việc đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được huyện quan tâm đẩy mạnh. Bằng việc chú trọng phát triển CN-TTCN, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, đẩy mạnh xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động để đào tạo theo yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao năng lực sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Xưởng may Gia Hưng thuộc Công ty cổ phần may Vạn Xuân là một điển hình trong tạo việc làm ổn định cho người lao động. Hiện tại Xưởng may Gia Hưng tạo việc làm ổn định cho 60 lao động, với thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng.
Chị Trần Thị Tươi, công nhân Xưởng may Gia Hưng cho biết: Khi Xưởng may Gia Hưng được thành lập đã tuyển dụng lao động tại xã vào làm. Những người lao động nông thôn như chúng tôi chưa qua đào tạo nghề may, được công ty vừa tiến hành dạy nghề, vừa trả lương cho những sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn. Vì thế chúng tôi rất yên tâm, gắn bó với nghề.
Với những giải pháp hiệu quả, đồng bộ đó, trung bình mỗi năm huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.600 lao động. Việc phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp gắn với đào tạo nghề đã và đang có những đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Gia Viễn
Tiến Minh