Xã Gia Lập là địa phương tiêu biểu của huyện trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Năm 2014, xã Gia Lập được tỉnh công nhận xã nông thôn mới. Nhờ thực hiện phong trào gắn với xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân hiểu, tích cực chung tay cùng chính quyền hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt sự tham gia đóng góp nhiệt tình trong hiến đất, kinh phí, ngày công trong xây dựng đường giao thông thôn, xóm, đường liên xã, xây dựng, nâng cấp các nhà văn hóa thôn, đóng góp mua sắm trang thiết bị, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn hóa thôn, xóm hoạt động hiệu quả. Tính đến hết năm 2014, xã đã hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, trong đó xây mới 3 nhà văn hóa thôn Xuân Đài, xóm Cao Bích, Quyết Tiến, đảm bảo 100% thôn, xóm có nhà văn hóa cộng đồng. Đến nay, 100% thôn, xóm xây dựng được hương ước; 8/8 thôn, xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn trở lên, nhiều nhà văn hóa xây dựng cao tầng, kiên cố; có 1.832/2.300 hộ được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", đạt tỷ lệ 79%; 8/8 thôn, xóm đạt danh hiệu "Làng văn hóa" cấp huyện; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,46%. Việc cưới, việc tang thực hiện theo nếp sống văn minh. Mối đoàn kết lương-giáo được củng cố bền chặt. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của xã hoạt động có nề nếp, các câu lạc bộ thơ xóm Cao Bích, CLB cầu lông xã Gia Lập và các thôn xóm hoạt động đều đặn, tổng số người dân luyện tập thể thao toàn xã đạt 28%. Đối với huyện Gia Viễn, thời gian qua, huyện đã chú trọng tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tại các khu dân cư, người dân tích cực thi đua lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn, từng thành viên nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phối hợp để phong trào thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, tạo sức lan tỏa rộng khắp.
Mục tiêu quan trọng được huyện xác định trong đẩy mạnh phong trào đó là tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển phong trào. ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, trong kinh doanh, dịch vụ; tập trung khôi phục và phát triển nhiều ngành nghề truyền thống và dạy nghề mới, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Từ phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi với những mô hình kinh tế hộ phong phú, đa dạng, hiệu quả, đời sống người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh từ 10,05% năm 2010 xuống còn 4,51% năm 2014, hộ cận nghèo giảm từ 7,68% xuống còn 4,82%, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm.
Trong phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Khu dân cư văn hóa", những tiêu chí của phong trào được triển khai tới từng thôn, xóm để nhân dân hiểu và thực hiện. Các hộ gia đình nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đóng góp trí tuệ, vật chất xây dựng quê hương. Việc bình xét các danh hiệu được Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" các cấp trên địa bàn huyện bám sát các tiêu chuẩn, thực hiện công khai, dân chủ. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá, công nhận và công nhận lại các danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Khu dân cư văn hóa", xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Do đó, chất lượng và số lượng các gia đình văn hóa được nâng lên.
Đến nay, toàn huyện đã có 75% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 75% làng, phố, xóm, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa, 60,8% thôn, xóm, phố có nhà văn hóa, 33,3% xã, thị trấn có nhà văn hóa. Điển hình các đơn vị thực hiện tốt phong trào như xã Liên Sơn, Gia Phú, Gia Sinh, thị trấn Me; có nhiều làng, thôn, xóm, phố đạt danh hiệu văn hóa và giữ vững danh hiệu văn hóa từ 5 năm trở lên như phố Me-thị trấn Me, xóm 12 xã Liên Sơn, làng Ngô Đồng xã Gia Phú…
Bài, ảnh: Tiến Minh, Thế Minh