Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại Thực tế cho thấy: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mang lại bước chuyển mình mạnh mẽ cho Gia Viễn trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay huyện đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ. Tích cực thực hiện chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học, áp dụng các mô hình tiến bộ trong sản xuất.
Vì vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có nhiều bước tiến mới. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch … tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bền vững ở nông thôn.
Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, thủy sản hàng năm giai đoạn 2008-2018 của huyện Gia Viễn luôn tăng cao và phát triển ổn định. Tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp không ngừng tăng, năm 2008 đạt 319,272 tỷ đồng, đến năm 2017 đạt 14.071,4 tỷ đồng. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực, giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản.
Toàn huyện đã hình thành 4 vùng sản xuất rau hàng hóa, gồm: Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương, thị trấn Me và 4 vùng sản xuất dưa bở: Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương, Gia Lập. Tính đến nay, Gia Viễn đã có 14 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí Thông tư 27/BNN-PTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Diện tích và sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng qua các năm, cụ thể: Năm 2009 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.113ha, đến năm 2017 diện tích nuôi trồng thủy sản 1.387,7 ha, sản lượng đạt 2773,8ha. Tập trung quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, lấy trọng tâm là vùng ruộng trũng ở các xã Gia Tân, Gia Hòa, Gia Phương, Gia Minh... theo phương thức thâm canh và bán thâm canh.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, 100% các xã đã hoàn thành việc công bố quy hoạch, quá trình xây dựng quy hoạch được người dân tham gia tích cực. Trong 10 năm, toàn huyện đã cải tạo, nâng cấp, xây dựng được 437,6 km đường giao thông nông thôn.
Đến nay, có 13/20 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông. Đến năm 2017, toàn huyện đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 70 công trình thủy lợi (trong đó có 19 trạm bơm) kiên cố gần 136,8km kênh mương, công trình thủy lợi trên địa bàn; 20/20 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về thủy lợi.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Công tác xóa đói giảm nghèo được huyện triển khai thực hiện có hiệu quả, Nhà nước và các tổ chức kinh tế- xã hội tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất, làm nhà ở. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 10 năm qua, toàn huyện đã có 9.857 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất; 9.318 học sinh, sinh viên con hộ nghèo được vay vốn ưu đãi trong giáo dục đào tạo với tổng số tiền là 276,3 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được thực hiện tốt. 10 năm qua, từ nguồn quỹ "Vì người nghèo" và quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" huyện đã trích hỗ trợ xây mới được 177 nhà ở với số tiền gần 3,5 tỷ đồng; 100% đối tượng hộ nghèo và 100% hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT...; Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp; năm 2017 có 98% người dân nông thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 32,5% so với năm 2008.
Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn đạt gần 30 triệu đồng, tăng 3,7 triệu đồng/ người so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,02% (năm 2008, theo chuẩn cũ) xuống còn 4,13% (năm 2018, theo chuẩn mới), tỷ lệ hộ cận nghèo từ 15,9% (năm 2008, theo chuẩn cũ) xuống 4,97% (năm 2018, theo chuẩn mới). Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, lao động phi nông nghiệp ngày càng tăng.
Người nông dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; các hoạt động y tế dự phòng, chương trình tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 20% năm 2008 xuống còn 13,2% năm 2017.
Đã có 18/21 Trạm y tế đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2011- 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2017 đạt trên 80%; tỷ lệ bác sỹ/1 vạn dân đạt 5,6 bác sỹ/1 vạn dân (năm 2017), 85% trạm y tế có nữ hộ sinh. Hệ thống truyền thanh đã phủ kín trên địa bàn nông thôn; mạng điện thoại, internet phủ sóng 100% số xã; tỷ lệ số hộ có tivi đạt 100% (tăng 45% so với năm 2008).
Cải cách hành chính công ở tất cả các tổ chức, đơn vị trong huyện được chú trọng đã góp phần giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dễ dàng dịch vụ hành chính công.
Các phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao được đông đảo người dân tham gia (85% người dân nông thôn tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao).
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, vai trò, vị thế của người nông dân ngày một nâng lên; quyền làm chủ về kinh tế, chính trị, văn hóa... của nông dân được phát huy. Đặc biệt trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông dân được trực tiếp tham gia góp ý, phản biện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; được bàn bạc lựa chọn nội dung, công việc cần ưu tiên, quyết định hình thức tổ chức thực hiện và mức độ đóng góp; tham gia kiểm tra, giám sát quá trình triển khai. Những nội dung, công việc thực hiện chung ở xã cũng đều có sự tham gia của đại diện người dân.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong thời gian tới, huyện Gia Viễn xác định: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị gia tăng cao, bền vững và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là "sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao".
Bên cạnh đó, huyện Gia Viễn cũng tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Trung ương và tỉnh đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nguyễn Thơm