Chúng tôi có mặt tại xã Gia Hưng (Gia Viễn) khi bà con nông dân đang xuống đồng che phủ ni lon chống rét cho mạ. Ông Đinh Công Xính, xóm 4 cho biết: Đúng thời điểm gia đình ông vừa xuống giống mạ thì vào đợt rét đậm, rét hại. Để đảm bảo cho mạ sinh trưởng tốt theo đúng khung thời vụ, gia đình ông đã áp dụng phương pháp chống rét cho mạ bằng che phủ nilon theo hướng dẫn của HTX.
Vụ đông xuân năm nay, xã Gia Hưng gieo cấy hơn 300 ha, trong đó diện tích trong đê khoảng 140ha. Ông Đinh Khắc Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết: Năm nay, tiết tiểu hàn và đại hàn nằm trọn trong thời điểm quan trọng nhất của vụ sản xuất đông xuân...
Trong điều kiện thời tiết này, xã đã chỉ đạo các HTX khuyến cáo bà con xuống đồng chăm sóc, cứu rét cho diện tích mạ. Tiến hành bón tro bếp, phân chuồng hoai mục và điều tiết mực nước hợp lý vào chân ruộng để giữ ấm; tuyệt đối không bón thúc đạm cho mạ khi nhiệt độ dưới 15oC. Đồng thời, bà con nên che phủ mạ bằng nilon để giữ kín gió, đặc biệt với trà xuân muộn.
Đối với diện tích lúa mới cấy, xã Gia Hưng cũng hướng dẫn nông dân phải làm đất kỹ, bón lót đầy đủ phân chuồng hoai mục và phân lân theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm tạo nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho lúa sinh trưởng tốt hơn, tăng khả năng chống rét. Giữ nước ở mặt ruộng để làm áo chống rét cho lúa mới cấy. Khuyến cáo nông dân không được gieo thẳng ở những vùng không chủ động tưới tiêu nước. Căn cứ thực tế điều kiện thời tiết để bố trí khung thời vụ đối với lúa gieo thẳng hợp lý.
Ông Bùi An Khang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn cho biết: Vụ đông xuân, huyện Gia Viễn gieo cấy trên 5.800 ha lúa, 5% diện tích thuộc trà xuân sớm gieo cấy ngoài đê, diện tích còn lại thuộc trà xuân muộn, cơ cấu giống 40% diện tích lúa chất lượng cao. Gia Viễn cũng thực hiện khá tốt việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, theo phương châm ruộng ngấu chờ mạ. Đến nay, toàn huyện gieo được 200 ha mạ, cấy được 250 ha, làm đất được 2.500 ha.
Để đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông xuân, đặc biệt đối với diện tích lúa ngoài đê tránh lụt tiểu mãn, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tập trung huy động mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để cấy lúa ngoài đê xong trước ngày 15/1/2018. Đẩy nhanh tiến độ làm đất cấy theo phương châm "ruộng chờ mạ", phấn đấu cấy xong toàn bộ diện tích trong khung thời vụ tốt nhất. Chuẩn bị tốt các điều kiện để lấy nước, đảm bảo đủ nước làm đất và chăm sóc cho lúa mới cấy.
Đối với những diện tích cấy lúa gặp nhiều khó khăn cần tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi loại hình sản xuất, không để người dân bỏ ruộng, trả ruộng. Đồng thời đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa để đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình, trong thời gian tới tiếp tục có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài có thể ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Để chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra cho sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Gia Viễn đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các đơn vị có liên quan tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật che phủ nilon cho mạ đã gieo, để phòng chống rét đậm, rét hại, chuột hại và các đối tượng sâu bệnh gây hại; đảm bảo 100% diện tích mạ được che phủ nilon khi có rét xảy ra. Bám sát lịch xả nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để lấy nước. Đẩy nhanh tiến độ làm đất, chăm sóc cho cây trồng.
Các đợt rét tập trung vào tháng 1 này là một thách thức lớn cho sản xuất lúa đông xuân không chỉ trên địa bàn huyện Gia Viễn. Chủ động phòng, chống rét cho cây trồng được xác định là một trong những phương án tối ưu để giành thắng lợi toàn diện trong vụ sản xuất chính này. Hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc của các cấp và ngành chuyên môn, đặc biệt là sự đồng thuận cao của bà con nông dân để nông nghiệp huyện Gia Viễn tiếp tục có thêm một vụ bội thu.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm