P.V: Đồng chí cho biết những thuận lợi và khó khăn trong công tác PCTT - TKCN nói chung, phòng chống lụt bão nói riêng của huyện? Đ/c Nguyễn Xuân Bình: Gia Viễn là địa phương có trên 56 km đê các cấp. Trong đó, đê cấp III có chiều dài 24,03km, còn lại là tuyến đê cấp II. Nhiều tuyến đê và các công trình đã, đang tiếp tục được đầu tư, tu sửa. Tuy nhiên còn một số công trình hạng mục phòng, chống lũ, bão vẫn "còn yếu" so với yêu cầu.
Có thể kể đến, bể xả trạm bơm Gia Viễn bờ bị vỡ chưa được xử lý triệt để; cống Tân Hưng xây dựng đã lâu, thân cống bằng đá xây bị rò rỉ nhiều, cống ngắn so với thân đê, hệ thống dàn van, tường đầu, tường ánh và bệ thao tác nhiều chỗ bị hỏng không đảm bảo chống lũ; cánh cống xả tiêu trạm bơm Hoàng Quyển (cũ), bị han gỉ mọt, nhiều chỗ bị thủng không bảo đảm chống lũ cần được xử lý.
Đặc biệt, đoạn đê từ Km 18+206 (đường giao thông tuyến 8 xã Gia Sinh) đến Km 20+135 cống cầu Đen, cao trình thấp hơn 0,5m chưa đảm bảo chống lũ.
Tuyến đê Mai Phương (Km0) xã Gia Hưng đến cầu Gián Khẩu (Km23+ 875) xã Gia Trấn, mặt đê gia cố bằng bê tông xi măng- áp phan, chiều rộng B =(4-7) m, cao trình (6,8 - 6,2) m đang thi công dở dang phần cơ đê và san lấp thùng đào phía trong đồng.
Nhiều điếm canh đê đang bị xuống cấp, nền thấp hơn mặt đê, hệ thống cửa hỏng, không có hệ thống chiếu sáng, không có công trình vệ sinh.
Nhìn chung, hệ thống đê và các công trình trên địa bàn huyện đã được đầu tư sửa chữa nâng cấp đủ khả năng chống lũ theo mực nước thiết kế, đảm bảo an toàn, đáp ứng được yêu cầu PCLB.
Tuy nhiên, khi mực nước lũ từ báo động III trở lên có thể xảy ra hiện tượng thẩm lậu, sạt trượt do nước ngâm lâu ngày. Do vậy cần phải chủ động tích cực kiểm tra, phát hiện thường xuyên trong mùa mưa bão, xử lý ngay các sự cố để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
P.V: Công tác chỉ đạo của huyện về phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ tại địa phương đã được triển khai thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Xuân Bình: Huyện ủy và UBND huyện luôn xác định rõ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là một nhiệm vụ quan trọng trong năm với phương châm chủ động hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra. Thường xuyên kiểm tra các công trình phòng, chống lụt bão để phát hiện sự cố, có phương án xử lý kịp thời.
Hàng năm, UBND huyện tổ chức kiện toàn, thành lập Ban chỉ huy, các phân ban PCTT&TKCN, giao quản lý bảo vệ các công trình cho UBND các xã, các ngành do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, các Phó chủ tịch làm Phó ban; lãnh đạo các phòng ban, bộ phận làm ủy viên. Phân công cụ thể rõ nhiệm vụ, phụ trách từng địa bàn cho các thành viên của Ban chỉ huy để chỉ đạo, điều hành xây dựng và phê duyệt phương án PCTT&TKCN.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã ban hành các công điện và các văn bản khác chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các xã, thị trấn tổ chức tốt việc thực hiện các phương án PCTT&TKCN, sẵn sàng phòng, ứng phó với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu của bão ảnh hưởng vào địa bàn; triển khai phương án chống lũ trên sông Hoàng Long và chống úng trên địa bàn.
P.V: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra, huyện đã có những giải pháp cụ thể gì?
Đ/c Nguyễn Xuân Bình: Ngay từ đầu mùa mưa, lũ năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã, thị trấn tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCTT&TKCN năm trước, triển khai nhiệm vụ PCTT&TKCN trong năm. Tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống lụt bão: đê, kè, cống... và từ đó đã xác định các trọng điểm, xung yếu.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện: Xây dựng phương án PCTT&TKCN theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo cụ thể, khoa học, hợp lý ứng phó khi thiên tai xảy ra như: Bão -ATNĐ (theo các cấp độ); phòng chống lũ sông Hoàng Long (theo từng tình huống); phương án phòng chống úng (với từng đợt có lượng mưa từ 150mm đến 300mm); xây dựng phương án sơ tán dân, đặc biệt là vùng phân lũ, chậm lũ và các xã có nhân dân sống ở khu vực ngoài đê; xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm xung yếu (cống Tân Hưng); phương án vận hành tràn Lạc Khoái, cống Mai Phương- Địch Lộng; phương án hộ đê tuyến đê hữu Hoàng Long (đoạn từ K18+206 đến K20+135) địa bàn xã Gia Sinh; phương án hậu phương và khắc phục hậu quả sau lũ bão; phương án PCTT&TKCN chung của huyện; phương án của các phòng, ban, các đơn vị thuộc UBND huyện và 21 xã, thị trấn trong huyện được phê duyệt (theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình) xong trước ngày 5/5/2018; kiểm tra, xử lý các điểm, vị trí vi phạm Luật Đê điều.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN chủ động phương án ký hiệp đồng lực lượng với các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh tham gia PCTT&TKCN, sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh. Các xã, thị trấn căn cứ vào phương án của huyện đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án PCTT&TKCN năm 2017; bảo đảm an toàn cho tuyến đê được phân công bảo vệ trong mọi tình huống, sẵn sàng ứng cứu, hộ đê theo lệnh điều động của UBND huyện, xây dựng phương án sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ an ninh trật tự thôn xóm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. .
Đối với bão và chống lũ, tùy theo cấp độ rủi ro thiên tai mà thông tin dự báo, cảnh báo về lũ trên các tuyến sông và công tác chỉ đạo chống lũ trên Đài truyền thanh huyện, hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn. Thông báo cho nhân dân trong vùng xả tràn và nhân dân sống ngoài đê nắm chắc diễn biến của mưa lũ để chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Tăng cường lực lượng tuần tra canh gác các tuyến đê, tổ chức lực lượng hộ đê, đối phó với lũ, lụt theo phương châm 4 tại chỗ để xử lý giờ đầu các sự cố về đê điều, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê. Nắm chắc diễn biến tình hình của lũ, tiếp nhận và ban hành các công điện chỉ đạo, tổ chức điều hành kịp thời.
Các thành viên, phân ban chỉ huy PCTT&TKCN xuống vị trí được phân công, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chống lũ hộ đê, bảo đảm an toàn cho đê điều; UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo điều hành công tác chống lũ, hộ đê. Tổ chức lực lượng tuần tra canh gác các tuyến đê phát hiện sự cố, xử lý kịp thời. Triển khai phương án chống úng, chủ động tiêu nước đệm; thu hoạch lúa, hoa màu và các loại thủy sản nuôi, trồng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Minh Đường (thực hiện)