Đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi huyện Gia Viễn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phạm Xuân Bình cho biết: "Trên 58km đê bao quanh huyện đã được bê tông và mở rộng mặt cắt. Các công trình ngày càng được xây dựng kiên cố vững chắc. So với các năm trước, mỗi lần mở hoặc đóng các cửa cống đều dùng phương pháp bỏ con toán, kết hợp hoành triệt đất mỗi đợt bão lũ thì nay đã có cánh cống, vừa vững chắc mà lại rất cơ động". Nhìn chung, các công trình thủy lợi, phòng, chống lụt bão trên địa bàn huyện đều đảm bảo. Tuy nhiên, một số công trình mới được đầu tư xây dựng trong một vài năm nay chưa được thử sức, trải nghiệm.
Hàng năm, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện tổ chức hiệp đồng phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy rừng, khắc phục hậu quả động đất với các đơn vị quân đội đứng chân ở địa phương trong việc chủ động ứng cứu khi có bão lũ xảy ra tại nơi này. Các đơn vị được thông qua kế hoạch hiệp đồng về công tác PCLB và TKCN, phòng, chống cháy rừng trên địa bàn huyện năm 2015. Trong đó dự kiến một số tình huống điều động lực lượng ứng cứu trong PCLB và TKCN, phòng, chống cháy rừng như: ứng cứu khu vực đập tràn Lạc Khoái, đê hữu sông Hoàng Long. Xử lý tình huống tại khu vực trọng yếu trên tuyến đê tả sông Hoàng Long, xử trí tình huống cháy rừng, động đất... ở mỗi tình huống, Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện và các đơn vị quân đội đưa ra phương án thực hiện cụ thể như: điều động lực lượng, phương tiện; vị trí tập kết, đơn vị phụ trách...
Trung tá Nguyễn Long Minh, Phó Tham mưu trưởng, Ban CHQS huyện cho biết: Ban CHQS huyện Gia Viễn có 25 đồng chí, trong đó bố trí lực lượng tại 3 phân ban trọng yếu của Ban chỉ huy PCLB&TKCN của huyện, lực lượng còn lại làm nhiệm vụ cơ động khi có tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, các xã trọng điểm, Ban chỉ huy cử 1 đồng chí xuống tăng cường. Với phương châm "tích cực, chủ động phòng là chính", khi có tình huống thiên tai xảy ra thì "đảm bảo tính cơ động", nhanh chóng huy động người, phương tiện, cơ sở vật chất, đồng thời hỗ trợ, chi viện giữa các đơn vị quân đội nhằm ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Đồng chí Nguyễn Đức Nhàn, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết: Hàng năm, theo kế hoạch, phương án của Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện, Ban chỉ huy PCLB&TKCN xã được kiện toàn lại, công tác chuẩn bị "4 tại chỗ" cũng được đôn đốc, thực hiện chặt chẽ. Trên địa bàn xã có khoảng 2 km đê tả Hoàng Long (Km8+500 đến Km10+500), từ địa giới xã Gia Phú đến cầu Đồng Chưa. Gia Thịnh có thôn Kênh Gà là địa bàn nằm giữa sông. Khi nước sông Hoàng Long lên cao, dân cư nơi đây cư ngụ trên dải đất "hình chiếc quạt giấy"- nơi hợp nhất của 3 nhánh sông Hoàng Long, nên việc chuẩn bị phòng, chống lụt bão, nhất là chuẩn bị phao cứu sinh và xuồng gắn máy cứu hộ khi có tình huống nguy kịch được quan tâm.
Theo đồng chí Lê Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB & TKCN: Có hai công trình thủy lợi trên địa bàn đáng lưu tâm nhất. Cống Tân Hưng thuộc xã Gia Hưng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước nay đã xuống cấp, khả năng chống lũ không được an toàn. Tràn Lạc Khoái (tuyến đê hữu Đáy, xã Gia Lạc) được xây dựng 630m từ 3 năm nay được nâng cấp. Tràn Lạc Khoái có 2 cách vận hành: mức nước trên sông chưa đến mức nguy cấp thì vận hành chủ động bằng 24 cửa xả; khi nguy cấp thì vận hành sự cố bằng phá con chạch 600m đất. 5 năm qua, Gia Viễn không có lụt bão nên cả 2 cách này chưa được trải nghiệm, thử thách. Chính vì thế, trước mùa mưa bão năm nay, công tác PCLB ở mỗi cấp, ngành và địa bàn ở huyện Gia Viễn luôn được chủ động, sẵn sàng khi có sự cố về thiên tai.
Minh Đường