Gia Vượng là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Gia Viễn. Tuy nhiên, từ khi có các nguồn vốn vay của NHCSXH, nhất là vốn cho vay ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đã mở hướng giúp người dân nơi đây phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Gia đình chị Trần Thị Nhàn, ở thôn 5 là một hộ dân như vậy. Chồng chị sức khỏe yếu, không làm được việc gì nặng; bản thân chị sau một lần bị tai biến cách đây 5 năm, nửa người bị tê dại, rất khó khăn trong vận động.
Trong khi đó, hai đứa con của anh chị lại đang tuổi ăn tuổi học nên cái đói, cái nghèo cứ quanh năm bám víu lấy gia đình. Khi đang loay hoay trong sự khốn khó thì năm 2014, gia đình chị Nhàn được tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã bình xét để được vay số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gia Viễn. Có tiền trong tay, chị Nhàn đầu tư mua 1 cặp bò về nuôi.
Hàng ngày hai đứa trẻ nhà chị tranh thủ thời gian rảnh không phải học bài phụ mẹ đi chăn thả. Sau 3 năm nuôi dưỡng, hai con bò đã sinh được ba con bê, bán bê chị thu về hơn 20 triệu đồng cộng thêm số tiền gom góp được chị trả hết ngân hàng.
Năm 2017, để mở rộng chăn nuôi, chị lại tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ cận nghèo. Lần này chị đầu tư xây sửa chuồng trại, mua thêm vài con lợn, mấy chục con gà về nuôi.
Dẫn chúng tôi ra thăm cặp bò đang ăn cỏ, chị Nhàn thổ lộ: "Dù giá cả chăn nuôi đang ở mức thấp, nhưng với cặp bò béo đẹp như thế này thì gia đình chị cũng có trong tay không dưới 60 triệu đồng. Tuy nhiên, chị cũng chẳng bán mà giữ lại để chúng sinh sản, chỉ khi nào có bê con mới bán, bò mẹ phải giữ lại làm vốn".
Ông Vũ Trọng Tấn, Chủ tịch UBND xã Gia Vượng cho biết: Hiện nay, xã Gia Vượng có tổng dư nợ tại NHCSXH đạt trên 6 tỷ 500 triệu đồng với vài trăm hộ được vay vốn. Từ nguồn vốn này, các đối tượng khó khăn trên địa bàn có cơ hội phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nhiều em học sinh được tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập.
Thực tế 10 năm nay, trên địa bàn xã không có trường hợp nào tái nghèo; nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 12,7% thì đến hết năm 2016 chỉ còn 7,3%.
Bên cạnh đó, nhờ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, đến nay 98% số hộ dân trên địa bàn đã có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Có thể nói, vốn vay ưu đãi từ các chương trình tín dụng của NHCSXH đã và đang "trợ lực" để người dân Gia Vượng phát triển kinh tế, xây dựng NTM.
Góp phần cùng với huyện Gia Viễn thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gia Viễn luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể gắn tuyên truyền các chương trình vốn với chương trình xây dựng NTM, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trong việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Cụ thể, ở chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã sử dụng vốn có hiệu quả, xây, sửa được gần 13 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn như: giếng, bể chứa nước, nhà vệ sinh…
Các công trình này khi đưa vào sử dụng đã góp phần đảm bảo nước sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp, nâng cao đời sống của người dân và góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thời gian qua đã giúp cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 9,62% năm 2003 xuống còn 5,75% cuối năm 2016.
Ngoài ra, chương trình cho vay giải quyết việc làm cũng đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương, góp phần để các địa phương đạt tiêu chí về cơ cấu lao động.
Đồng chí Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Gia Viễn Phạm Xuân Mỹ cho biết: Những năm qua, Phòng giao dịch đã chủ động cân đối nguồn vốn, ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, các xã làm điểm NTM, đồng thời phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trong huyện giải ngân vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, kịp thời.
Từ đó giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có cơ cấu lao động hợp lý để xây dựng NTM có hiệu quả tại địa phương.
Hiện, Phòng giao dịch đang thực hiện 8 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đến nay đạt trên 255 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo trên 36 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo hơn 13 nghìn tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 71 nghìn tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 90 nghìn tỷ đồng…
Nguyễn Lựu