TSPL của xã Liên Sơn được đặt tại Trung tâm học tập cộng đồng (nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã). TSPL này hiện có hơn 500 đầu sách không kể công báo và được phân làm 4 loại: Các văn bản quy phạm pháp luật, sách pháp luật phổ thông, sách hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn và Báo Pháp luật được sắp xếp ngăn nắp, khoa học như một thư viện nhỏ. Đây được đánh giá là TSPL phong phú nhất của huyện Gia Viễn. Bên cạnh sách pháp luật, UBND xã còn trang bị cả sách, báo, truyện, những tài liệu hướng dẫn bà con nông dân cách làm ăn, phát triển kinh tế… do đó, lượng độc giả đến với TSPL ngày một đông. Mỗi ngày, TSPL thu hút được vài chục lượt độc giả đến đọc sách, nghiên cứu tài liệu.
Hiệu quả nhìn thấy rõ nhất của việc xây dựng TSPL là số lượng đơn thư khiến nại giảm rõ rệt. Đến nay, xã không có đơn thư khiếu nại nào. Người dân được mở mang kiến thức về pháp luật, do đó công tác tuyên truyền, giải thích về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương được thực hiện dễ dàng, hiệu quả hơn.
Anh Bính (người dân trong xã) cho biết: "Trước đây, tôi "mù tịt" về lĩnh vực pháp luật, cứ gặp vướng mắc gì là đưa đơn lên xã … kiện. Nhưng từ khi địa phương có TSPL, lại được các cán bộ xã tuyên truyền, vận động, dần dần tôi trở thành độc giả siêng năng của TSPL. Tôi thường đọc sách: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em… những kiến thức pháp luật này thực sự thiết thực với chúng tôi".
Tuy nhiên, số địa phương xây dựng được TSPL như xã Liên Sơn còn rất hiếm. TSPL được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật, qua đó, vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tế một cách thiết thực, hiệu quả, giảm bớt tình trạng khiếu kiện, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc cho cơ quan Nhà nước và nhân dân. Thế nhưng, việc khai thác, sử dụng TSPL ở nhiều địa phương còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Số lượng người đến tìm hiểu, đọc sách pháp luật không nhiều. Thậm chí, có những người dân còn chưa biết đến TSPL địa phương. Lý giải về thực tế này, ông Tô Văn Thư, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Gia Viễn cho biết: "Hầu hết các TSPL được đặt tại UBND xã, thị trấn, chưa có phòng đọc riêng. Trong khi đó, tâm lý người dân lại rất "ngại" đến chính quyền, chỉ khi có nhu cầu, vướng mắc về pháp luật thì người dân mới đến UBND xã tìm hiểu. Mặt khác, số lượng đầu sách tại nhiều địa phương còn ít, chưa kịp thời cung cấp những luật, văn bản mới ban hành". Ông Tô Văn Thư cho rằng, TSPL đặt tại UBND xã, thị trấn mới chỉ phục vụ chủ yếu cho cán bộ trong xã. Muốn Luật tới được với người dân, rất cần xây dựng TSPL tại các Nhà văn hóa thôn. Thực tế, tại huyện Gia Viễn một số địa phương đã xây dựng được tủ sách của thôn. Xã Gia Thịnh, ngoài TSPL đặt tại UBND xã, cả 4 thôn đều có TSPL đặt tại Nhà văn hóa thôn.
Ông Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết: "Trưởng Ban công tác Mặt trận ở các thôn được giao nhiệm vụ trông coi nhà văn hóa và tủ sách của làng. Những cán bộ này có ý thức cao về trách nhiệm của mình, không quản giờ giấc sẵn sàng mở cửa nhà văn hóa khi nhân dân có nhu cầu đọc sách báo".
Từ thực tế hoạt động của các TSPL ở Gia Viễn cho thấy, để TSPL thực sự phát huy hiệu quả, những cán bộ quản lý tủ sách cũng phải có năng lực nghiệp vụ. Hiện, việc quản lý, khai thác tủ sách và hướng dẫn nhân dân do cán bộ tư pháp đảm nhiệm. Cán bộ tư pháp ở cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc nên không có thời gian nghiên cứu chuyên sâu, chủ động giới thiệu luật đến người dân.
Có ý kiến cho rằng, cần áp dụng công nghệ tin học trong quản lý TSPL. Theo đó, mỗi địa phương nên chọn người phụ trách TSPL ngoài hiểu biết về các văn bản luật, tâm huyết với nghề còn có trình độ tin học. Với một máy tính nối mạng, người phụ trách TSPL điện tử thường xuyên cập nhật các văn bản, luật mới ban hành, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu của người dân. Như vậy, người dân sẽ dễ hiểu hơn, hiệu quả đưa luật đến với dân cũng cao hơn.
Nguyễn Hùng