Đồng chí Đinh Văn Thỏa, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Vân phấn khởi cho biết, những năm qua, kinh tế xã Gia Vân chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đặc biệt, sau khi bà con dành đất để phát triển công nghiệp, yêu cầu giải quyết việc làm cho người dân được địa phương đặt lên hàng đầu. Theo đó, xã đã tiến hành khảo sát lực lượng lao động trong và ngoài độ tuổi để có định hướng, hỗ trợ phù hợp. Theo thống kê, hiện toàn xã có trên 1.000 lao động đang tham gia làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, ngoài ra có nhiều hộ làm du lịch, kinh doanh các dịch vụ du lịch… ưu tiên phát triển công nghiệp, song địa phương vẫn xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt, vừa đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Hiện nay, sau khi thu hồi đất để phục vụ phát triển công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp của xã Gia Vân giảm từ trên 700ha xuống còn 400ha. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong sản xuất nông nghiệp, xã Gia Vân tích cực thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Đến nay, số mảnh ruộng của mỗi hộ giảm từ 7-9 mảnh xuống còn 2-3 mảnh. Hoàn thành dồn điền đổi thửa, bà con bắt đầu áp dụng KHKT, đồng thời tìm tòi đưa về các giống cây, con cho năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất. Theo đó, xã phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình đưa vào gieo cấy giống lúa 1102i cho năng suất cao. Xã cũng dành trên 10 ha ruộng trồng lúa hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng giống sen Nhật. Theo tính toán, trồng loại sen này hiệu quả gấp vài lần trồng lúa. Hiện, xã mới thử nghiệm được một vụ, để có thể nhân rộng ra diện tích lớn hơn, xã sẽ thận trọng triển khai thêm vài vụ nữa.
Đặc biệt, để tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp, xã Gia Vân khuyến khích các hộ gia đình năng động, sáng tạo xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp. Năm 2015, Hợp tác xã Đoàn kết Vân Long ra đời càng tạo thêm điều kiện để các hộ chăn nuôi cùng hợp tác phát triển. Hiện nay, toàn HTX có trên 10 thành viên, các mô hình chủ yếu chăn nuôi lợn, gà, cá, dê.... Từ khi được thành lập, các thành viên có điều kiện chia sẻ với nhau kinh nghiệm trong chăn nuôi, cùng tìm kiếm các cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập tục canh tác ở địa phương và hỗ trợ nhau về vốn khi cần.
Mô hình của ông Trần Nhật Quang là một điển hình của xã Gia Vân trong phát triển kinh tế trang trại. Vốn là một sĩ quan quân đội về hưu, không chấp nhận cuộc sống an nhàn, năm 2016, ông Quang thầu thêm đất để làm ao thả cá, trồng cây ăn quả và nuôi hàng trăm con lợn. "Mới bắt tay vào chăn nuôi, vừa thiếu kỹ thuật, thiếu vốn lại gặp đúng thời điểm giá lợn bấp bênh, có lúc xuống rất thấp khiến gia đình tôi lao đao. Được sự động viên, giúp đỡ của các thành viên trong HTX Đoàn kết Vân Long, tôi từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất và chuyển sang nuôi gà thay vì nuôi lợn"- ông Quang nhớ lại. Để hạn chế bệnh tật cho vật nuôi, ông Quang dành trên 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống trại gà lạnh với diện tích 750 m2. Trại gà lạnh được xây kín, tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh và quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ luôn ổn định. Bên trong trại gà, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách, tạo không gian thoải mái cho đàn gà. Cũng theo ông Quang, mô hình này tuy đầu tư chi phí khá cao nhưng lại ăn chắc. Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên gà lớn nhanh và hầu như không có bệnh. Mỗi năm gia đình ông Quang thu về khoảng 500 triệu đồng từ các con nuôi, tạo việc làm cho 2 lao động với mức thù lao từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đinh Văn Thỏa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, ngoài những trang trại chăn nuôi theo hướng hiện đại thì trên địa bàn xã có nhiều mô hình kết hợp lúa- cá cho hiệu quả cao. Sau nhiều thách thức do sự biến động của thị trường, những năm qua, các mô hình vẫn đứng vững, hoạt động hiệu quả, chủ yếu là lĩnh vực chăn nuôi, trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa… xã đang tiến hành đánh giá lại hiệu quả phát triển sản xuất để tiếp tục có sự định hướng, hỗ trợ phù hợp, giúp người dân tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, thị trường để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, xã Gia Vân cũng rất mong nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp, hỗ trợ các hộ làm trang trại về KHKT, về việc tìm tòi ra những giống cây, con phù hợp với đồng đất địa phương và có giá trị kinh tế trên thị trường.
Bài, ảnh: Đào Hằng