Đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng
Là một xã miền núi nghèo nằm ở phía Đông Bắc của huyện Nho Quan, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường, trạm… còn nhiều yếu kém. Song, với sự quyết tâm, xã Gia Tường đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn vốn; lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc gia khác; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp… để đầu tư sửa chữa, xây mới các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Tính lũy kế từ ngày đầu xây dựng NTM đến nay, toàn xã đã huy động gần 235 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là trên 19 tỷ đồng, chiếm 8,17%; vốn vay tín dụng là gần 146 tỷ đồng, chiếm 62,05%; vốn doanh nghiệp là 115 triệu đồng, chiếm 0,05%, còn lại vốn tham gia của nhân dân là gần 70 tỷ đồng, chiếm 29,73%.
Từ nguồn vốn này, Gia Tường đã tập trung đầu tư xây dựng mới, tu sửa, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trục xã, liên xã, liên thôn, ngõ xóm đảm bảo giao thông thông suốt, thuận lợi cho việc đi lại cũng như vận chuyển, buôn bán nông sản của người dân. Đến nay, 100% các tuyến đường trên địa bàn xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa, cứng hóa, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa. Xã cũng ưu tiên cải tạo hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất với trên 7 km kênh mương đã được cứng hóa (đạt tỷ lệ gần 89% so với quy hoạch), hệ thống tưới gồm 1 trạm bơm chính và 2 trạm bơm dã chiến, do đó, gần 1 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp của xã cơ bản được tưới tiêu chủ động.
Sau 7 năm xây dựng NTM, toàn xã đã có 4 nhà văn hóa thôn được xây dựng mới, 1 nhà văn hóa được nâng cấp cải tạo..., góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ ở các khu dân cư phát triển mạnh mẽ.
Về trường học, thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học, củng cố cơ sở vật chất trường học các cấp, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, xã quan tâm đầu tư nâng cấp các trường học, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Mới đây, xã đã hoàn thành việc xây dựng nhà hiệu bộ, nhà y tế học đường, cải tạo khu lớp học 2 tầng, 12 phòng học cho trường THCS. Đến nay, từ trường mầm non đến THCS trên địa bàn xã đều đã có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất
Đồng chí Đinh Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Gia Tường cho biết: Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM không chỉ là thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại mà còn phải thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng, vệ sinh môi trường, do vậy, Đảng bộ, chính quyền xã Gia Tường đã đặt nhiệm vụ phát triển sản xuất lên hàng đầu, đó là yếu tố cốt lõi tạo động lực cho việc hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM. Trong thời gian qua, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho nhân dân. Triển khai công tác dồn điền đổi thửa, đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đồng thời chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình một lúa-một cá. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Ngoài ra, trên địa bàn xã cũng đã hình thành được 1 HTX nấm và tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản hoạt động khá hiệu quả. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Xã đã kiện toàn, phát huy tổ tự quản "ANTT và vệ sinh môi trường" do hội viên cựu chiến binh và phụ nữ làm nòng cốt.
Có dịp cùng cán bộ Hội nông dân xã đến thăm một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn, chúng tôi thực sự cảm phục trước sức sáng tạo, ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của người dân nơi đây.
Là một thanh niên trẻ, Đặng Khánh Duy ở thôn Đầm Bái chọn cho mình một hướng đi hoàn toàn mới đó là nuôi thỏ New Zealand thương phẩm để xuất bán cho một Công ty của Nhật Bản. Với diện tích chỉ 300 m2, Duy nuôi 700 con thỏ, trong đó có hơn 100 con thỏ mẹ; mỗi năm xuất bán hơn 2.000 thỏ thương phẩm, doanh thu 400 triệu đồng, lợi nhuận gần 250 triệu đồng. Ngoài phát triển kinh tế, chàng thanh niên này còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con nông dân trong xã và vùng lân cận phát triển mô hình nuôi thỏ New Zealand với hình thức cung cấp giống; hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu luôn sản phẩm cho họ.
Còn anh Đinh Trọng Tân ở xóm Đồi Cò lại là chủ trang trại tổng hợp trù phú nhất vùng. 5 năm về trước, gia đình anh ra vùng đất ven sông Na, sát chân núi Bài Bương này để khai hoang lập nghiệp. Có chút vốn liếng, cộng thêm vay mượn của anh em, vợ chồng anh đầu tư hết vào đào ao thả cá, trồng cỏ, nuôi dê, nuôi trâu, gà thả vườn. Nhờ cần cù chịu khó, đất đã không phụ lòng người, đến nay, trang trại của anh Tân đã có hơn 30 con dê, 4 con trâu, rồi lợn rừng và hàng trăm con gà thả vườn. Thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Có thể nói, những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế đang ngày càng được nhân rộng ở Gia Tường, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Nếu như trước đây, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ khoảng trên, dưới 10 triệu đồng/người/năm thì hiện nay mức thu nhập này đã tăng lên gấp 2 đến 3 lần. Cụ thể, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 31,2 triệu đồng và năm 2017 là 35 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 1,9%. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Bà con nhân dân đều thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tham gia đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Tháng 12/2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gia Tường tổ chức đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với niềm vui này, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã và đang đẩy mạnh các hoạt động lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ xã (12/2/1948-12/2/2018).
Hà Phương