Năm 2019, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ với tổng giá trị sản xuất đạt gần 71,83 nghìn tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2018, vượt 25,8% kế hoạch năm.
Nguyên nhân được đánh giá là do có sự đóng góp tương đối lớn của ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khi Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô công suất 40.000 xe/năm của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam tại KCN Gián Khẩu đã đi vào hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất, lắp ráp vượt công suất đề ra; dự án Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao CFG của Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long - CFG tại KCN Khánh Cư hiện dây chuyền 1 công suất 600 tấn/ngày đã đi vào hoạt động. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô đã có những đóng góp cho giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh...
Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh đã thu hút đầu tư 46 dự án, tăng 22 dự án so với năm trước, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ.
Việc Ninh Bình thực hiện đồng bộ các chính sách về thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đã tạo nền tảng tốt để các doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội phát triển bền vững. Bước vào năm 2020 với nhiều khó khăn được dự báo nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngay từ tháng 1, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã duy trì được đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt trên 5.632,8 tỷ đồng, tăng gần 9,9% so với cùng tháng năm trước.
Các sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng khá là: xe ô tô chở hàng đạt 360 chiếc, tăng 27,7%; giày dép vải đạt 2,9 triệu đôi, tăng 34%; modul camera đạt 9,5 triệu sản phẩm, tăng 5,6%; tai nghe điện thoại di động đạt 2,2 triệu sản phẩm, tăng 26,3%; phân hỗn hợp NPK đạt 61,2 nghìn tấn, tăng 57,9%... Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút là xe ô tô khách lắp ráp đạt 4.780 chiếc, giảm 15,1%; thép cán đạt 17,3 nghìn tấn, giảm 27,3%; găng tay đạt 850 nghìn đôi, giảm 5,6%...
Năm 2020, ngành Công thương tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Trong đó, ưu tiên các dự án thuộc ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử, các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, các dự án có quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhà máy công nghiệp lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 80.810 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2019, ngành Công thương tăng cường công tác quản lý các quy hoạch ngành. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực để phù hợp với thực tế và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại đã được phê duyệt; trong đó tập trung triển khai quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và cấp huyện, quy hoạch phát triển nghề và làng nghề gắn với phục vụ du lịch; quy hoạch chợ..., tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, góp phần gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Bảo Yến