Với tổng diện tích tự nhiên gần 618ha, chia thành 12 khu dân cư, xã Gia Thủy có tổng 1.567 hộ với 6.178 khẩu. Trong năm, diện tích đất gieo cấy ở vụ đông xuân là 386 ha và vụ mùa là 125 ha. Để bảo vệ diện tích canh tác, Gia Thủy có hệ thống đê bao quanh xã - dọc sông Bôi - sông Na, với chiều dài 7 km. Tuyến đê bao và công trình trạm bơm được đầu tư thuộc dự án sống chung với lũ nên cao trình phổ biến là + 4m, chỉ tiêu chống lũ tại bến Đế là + 3,5m. Riêng tuyến đê bao có 30 cống, trong đó có 2 cống hộp.
Có một tràn thuộc khu vực Rộc Séo. Hiện trên địa bàn có một trạm bơm Canh Bầu tưới tiêu kết hợp có 3 máy công suất 2.000 m3/h.
Từ những đặc điểm trên, công tác chuẩn bị "4 tại chỗ" và phối hợp lực lượng tăng cường hỗ trợ nhân dân bảo vệ sản xuất và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong suốt mùa mưa bão.
Đồng chí Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy cho biết: Ngay từ đầu vụ đông xuân, xã đã tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCLB và TKCN gồm 21 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban.
Ban chỉ huy cũng quyết định thành lập 3 tiểu ban ở 3 khu vực với 27 thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể, bộ phận thường trực, địa điểm trọng yếu, giao cho các thôn phụ trách các đoạn đê, các cống.
Được biết, sau mỗi mùa mưa bão, ở Gia Thủy các phân ban này đều được kiện toàn lại, giao trách nhiệm cụ thể địa bàn ở mùa sau. Mỗi phân ban đều phải xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ, 5 sẵn sàng".
Trao đổi với các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã Gia Thủy, chúng tôi được biết: Lực lượng công an, quân sự là lực lượng cơ động làm nòng cốt với 30 thanh niên thường trực; ngoài ra còn xây dựng lực lượng cơ động ở các thôn xóm từ 15 - 20 người, gồm lực lượng thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh.
Đối với nội dung công tác "4 tại chỗ" và phương án sơ tán dân khi xả tràn, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ vào địa bàn, năm nay, xã Gia Thủy đôn đốc chuẩn bị 500 chiếc bì, 20 xẻng, 5 cuốc, 1.000m dây thừng, 500 cọc tre, 200m2 bạt và 100 áo phao…
Nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết, kịp thời tuyên truyền nhân dân chủ động PCTT và TKCN. Chỉ đạo lực lượng xung kích, lực lượng cơ động của các thôn sẵn sàng triển khai xử lý các cống chống tràn. Huy động hỗ trợ sơ tán người và tài sản của nhân dân ở các vùng thấp, trũng.
Không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra thiệt hại về người và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản do mưa lũ gây ra.
Đồng chí Đinh Văn Đức nhớ lại: Do ảnh hưởng mưa lũ ngày 24 và 25/5/2016, nước sông Hoàng Long dâng cao nguy cơ ngập toàn bộ trên 80ha lúa ngoài vùng của các hộ xã viên đang trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch.
Trước tình hình đó, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của UBND huyện, phân ban PCTT và TKCN cụm 9 xã phía Bắc, Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã đã tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh thông báo về mức nước trên sông Hoàng Long và nguy cơ ngập úng.
Chỉ đạo nhân dân tập trung nhân lực thu hoạch nhanh diện tích lúa ngoài vùng. Huy động 7 máy gặt trên địa bàn xã và các xã lân cận để thu hoạch lúa cho các hộ xã viên.
Trước tình hình mực nước lũ dâng cao từng giờ, Lữ đoàn 202 và Lữ đoàn 299 đã điều 121 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng công an huyện, quân sự, trung đội dân quân cơ động của xã hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa đông xuân.
Năm 2017 được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường, hiện tượng Enino, hạn hán, biến đổi khí hậu bất thường. Từ những kinh nghiệm PCLB và TKCN những năm trước, mùa mưa bão năm nay xã Gia Thủy tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống với thiên tai, lũ lụt trên địa bàn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Bài, ảnh: Minh Đường