Dạo một vòng quanh các khu vực có nhà thuốc tư nhân hay các đại lý thuốc mới thấy nhu cầu mua thuốc để điều trị của người dân là rất lớn. Hầu hết các nhà thuốc đều tấp nập người mua, rất ít nơi vắng khách. Tại Nhà thuốc tư nhân chợ Đồng Giao (thị xã Tam Điệp), hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Lan (phường Trung Sơn) đang hỏi mua hộp thuốc Hạ áp ích nhân, được biết: Mới tháng trước tôi mua chỉ 95.000 đồng/hộp, giờ đã tăng lên 108.000 đồng/hộp. Cứ đà tăng giá kiểu này, còn khổ người có bệnh... Qua tìm hiểu tại Nhà thuốc này, được biết, trong tổng số hơn 1.000 mặt hàng thuốc đang bày bán tại đây, có 115 mặt hàng tăng giá. Lý giải về việc giá thuốc tăng, dược sỹ Ninh Văn Thiệu, chủ nhà thuốc giãi bày: Do đầu vào từ các công ty dược phẩm tăng giá nên nhà thuốc cũng phải bán theo giá mới. Trò chuyện với chị Lê Thị Hiền (phường Nam Bình) đang mua thuốc tại Nhà thuốc Q.G (thành phố Ninh Bình), cầm trên tay mấy loại thuốc vừa mua, chị cho biết: thuốc ho Prospan do CHLB Đức sản xuất, giá bán hiện tại là 58.000 đồng/hộp, trong khi chỉ tháng trước, giá gần 50.000 đồng/hộp. Tương tự, 1 vỉ Amoxilin giá 8.000 đồng (trước là 6500 đồng/vỉ); Clamoxyl của Pháp 6.500 đồng/gói, tăng 1.500 đồng/gói; hoạt huyết dưỡng não từ 43.000 đồng/hộp, tăng lên 55.000 đồng/hộp... Là khách hàng đến mua thuốc thường xuyên, tôi cảm thấy sốc với việc giá thuốc liên tục tăng. Theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, đối với các nhà thuốc tư nhân là loại hình được quyền tự chủ trong mua và bán lẻ thuốc, "vin" vào lý do giá đầu vào tăng từ các công ty dược phẩm, nhiều nhà thuốc đã tranh thủ tăng giá hàng loạt mặt hàng, trong đó tập trung vào những mặt hàng thuốc mà nhu cầu của người dân cao như: thuốc kháng sinh, thuốc ho trẻ em, các loại thuốc bổ...
Trái ngược với giá thuốc trên thị trường, tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, giá thuốc mà các đơn vị cung ứng cho các bệnh viện ít có sự biến động. Lý do là vì tất cả các mặt hàng thuốc và vật tư tiêu hao của các cơ sở y tế công lập trong tỉnh đều do các doanh nghiệp trúng thầu cung ứng theo hợp đồng đấu thầu thuốc từ năm trước do Sở Y tế tổ chức. Như tại Bệnh viện đa khoa tỉnh là cơ sở y tế có số lượng bệnh nhân tương đối lớn, theo thống kê trung bình hàng tháng, số thuốc chữa bệnh và vật tư tiêu hao mà Bệnh viện phải mua vào khoảng 6- 7 tỷ đồng, mỗi năm con số này khoảng 70- 80 tỷ đồng. Theo hợp đồng đấu thầu, có khoảng 20 doanh nghiệp dược phẩm cung ứng thuốc cho Bệnh viện: Công ty dược phẩm Tràng An, Vũ Duyên, Trung ương 1, Trung ương 2... Theo bác sỹ Lê Chính Chuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện: Mặc dù giá thuốc trên thị trường có sự biến động nhưng đối với các doanh nghiệp cung ứng cho Bệnh viện chưa có trường hợp nào bỏ thầu, vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao theo đúng hợp đồng đã ký. Có 1 doanh nghiệp dược phẩm là Công ty EMS gửi văn bản về việc điều chỉnh giá vật tư tiêu hao, nhưng Bệnh viện đã trả lời vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Bệnh viện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế. Tại Trung tâm Y tế huyện Yên Khánh, bác sỹ Phạm Ngọc Cao, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian qua đã có mấy mặt hàng thuốc mà doanh nghiệp cung ứng thuốc cho Bệnh viện huyện theo hợp đồng đấu thầu từ chối cung ứng thuốc theo giá cũ với lý do thuốc tăng giá. Điều này ít, nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của Bệnh viện. Trước khó khăn của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, ngành y tế đã có sự chỉ đạo kịp thời để đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Sở Y tế đã có công văn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Sở nêu rõ: Đối với một số mặt hàng thuốc mà nhà thầu không cung ứng được, các đơn vị có nhu cầu mua thuốc có thể xem xét danh mục thuốc tại địa chỉ: http://dav.gov.vn và liên hệ trực tiếp với 3 doanh nghiệp là Công ty Dược phẩm TƯ 1, TƯ 2 và TƯ 3 là các doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ vốn để tham gia dự trữ lưu thông thuốc quốc gia cam kết giữ ổn định giá thuốc. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn và nhu cầu sử dụng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là các thuốc thiết yếu, các thuốc chuyên khoa, đặc trị cần thiết cho nhu cầu điều trị. Trong trường hợp một số mặt hàng có khả năng khan hiếm, yêu cầu các doanh nghiệp có giải pháp duy trì nguồn cung, ưu tiên cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở bán lẻ để phục vụ người bệnh. Trường hợp các doanh nghiệp trúng thầu nhưng không cung ứng đủ thuốc theo nhu cầu sử dụng của các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế sẽ xem xét để xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Bùi Diệu