Tại cánh đồng Chúa, HTX Liên Huy (xã Gia Thịnh) nhiều năm trở lại đây đã dần vắng bóng hình ảnh người nông dân ngày ngày ra thăm ruộng lúa. Căn nguyên là bởi nơi đây có địa hình không thuận lợi, một mặt là do xa khu dân cư, mặt khác là diện tích đất ruộng của mỗi hộ dân được chia quá nhỏ, canh tác gặp khó khăn lại không thể áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Tuy địa phương đã tìm nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này song nhiều hộ dân đã có tâm lý chán nản, gieo cấy lúa ngắt quãng, lúc cấy lúc không; từ 2, 3 vụ trở lại đây, chỉ canh tác theo kiểu "cầm chừng". Việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại giải pháp để chấm dứt tình trạng này.
Tổ hợp tác Thịnh Phú Dương với 5 thành viên, là những người đam mê với cây lúa, mong muốn phát triển nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương đã tập hợp lại, quyết định nhận thầu lại hơn chục ha đất ruộng khó canh tác tại cánh đồng Chúa của HTX Liên Huy để cải tạo, sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Ông Đinh Văn Huynh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Chúng tôi đã nhận đấu thầu 12,5ha đất ruộng của HTX Liên Huy để xây dựng cánh đồng rộng 7ha, sản xuất lúa theo hợp đồng ký kết với Công ty Cổ phần lương thực Nam Bình (Hà Nội).
Diện tích còn lại, chúng tôi đang cải tạo, đắp bờ để nuôi thả thủy sản. Do có hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm nên anh em trong Tổ hợp tác rất an tâm sản xuất, vui mừng vì vừa tạo ra thu nhập cho gia đình, lại vừa giúp người dân địa phương giải quyết nỗi lo để ruộng đất bỏ phí.
Vụ đông xuân năm 2019, chúng tôi cấy giống lúa NH6 theo phía công ty yêu cầu và đã được thu mua toàn bộ sản lượng, thu lãi 400 nghìn đồng/sào. Giá thu mua được công ty công khai ngay từ đầu vụ sản xuất, tuy không cao nhưng ổn định so với thị trường, lại tránh được tình trạng "được mùa mất giá" nên chúng tôi có thể yên tâm canh tác.
Theo ông Huynh, hiệu quả vượt bậc của việc tập trung ruộng đất, sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn là giảm thiểu chi phí, công lao động do có thể áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp một cách dễ dàng.
Mặt khác, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi trồng cây con khác sẽ giúp người nông dân nâng cao thu nhập, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Khi các ao nuôi thủy sản cho thu hoạch, ông Huynh tin rằng mỗi năm sẽ cho thu lãi hàng trăm triệu đồng, từ đó giúp các thành viên tổ hợp tác làm giàu từ chính những thửa ruộng manh mún khi xưa.
Tích tụ, tập trung ruộng đất là một chính sách đúng đắn, khơi dậy được những tiềm năng sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó những tổ chức như Tổ hợp tác Thịnh Phú Dương kể trên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất.
Bởi vậy, mong rằng các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những doanh nghiệp, tổ chức dám nghĩ, dám làm, năng nổ trong việc tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại.
Bài, ảnh: Thái Học