Làm tốt công tác rà soát hộ nghèo Theo ông Nguyễn Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thanh: Muốn thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, trước tiên phải làm thật tốt khâu rà soát hộ nghèo. Trên cơ sở nắm vững số hộ nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Cũng theo ông Tuyên, ở các địa phương, những đợt điều tra, rà soát hộ nghèo luôn là khâu phức tạp nhất. Bởi những năm qua, người nghèo ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Họ được hưởng lợi từ các chương trình ưu đãi của Chính phủ như: hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, mua thẻ BHYT, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề, trợ cấp khó khăn đột xuất…
Vì vậy có hộ tha thiết "xin" vào diện hộ nghèo chỉ để được hưởng ưu đãi miễn giảm học phí cho con, có hộ đề nghị được ở lại danh sách hộ nghèo... Cũng có nhiều hộ, trước đây cha mẹ già ở với con cháu, nhưng giờ tách khẩu riêng cho cha mẹ để được hưởng các chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Bởi thế, trong số những hộ nghèo, đa số là hộ nghèo do tuổi cao.
Trước thực trạng đó, xã đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc thoát nghèo. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của bà con, đồng thời hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đặc biệt, trước khi tiến hành bình xét hộ nghèo, xã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của các đợt điều tra, rà soát hộ nghèo đến tận các hộ dân. Các ban, ngành, đoàn thể cũng thành lập các đoàn đến tận nhà dân để vận động, tuyên truyền con cháu đón bố mẹ về ở chung để phụng dưỡng. Với những nỗ lực đó, nhận thức của bà con về công tác giảm nghèo đã thay đổi đáng kể. Biểu hiện rõ nét của những đổi thay này là ở những cuộc bình xét hộ nghèo từ các cơ sở trong xã.
Trước đây, ở nhiều cơ sở xảy ra tình trạng dòng họ nào đông sẽ dễ bình xét cho người trong dòng họ được tiêu chuẩn nghèo. Nhưng thời gian qua, thực trạng này đã giảm nhiều. Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác rà soát hộ nghèo của địa phương cũng liên tục được tập huấn nâng cao nghiệp vụ.
Do vậy, việc điều tra, rà soát hộ nghèo ngày càng được thực hiện công khai, minh bạch, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân. Đặc biệt là tình trạng xin làm hộ nghèo đã không còn.
Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
Ông Nguyễn Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thanh nói, nếu những năm trước, đa số hộ nghèo là do nguyên nhân tuổi cao thì năm 2014, trong số 2,15% hộ nghèo phần nhiều là các gia đình có "trụ cột" kinh tế bị ốm đau, tai nạn đột xuất.
Điều đó đồng nghĩa với việc tuy kết quả giảm nghèo của xã đã có chuyển biến tích cực, song vẫn chưa thực sự bền vững, hộ cận nghèo còn nhiều. Nếu không may gặp ốm đau hoặc tai nạn rủi ro sẽ "rớt" xuống tốp nghèo. Bởi thế, điều mà địa phương trăn trở là làm thế nào để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo mà phải là thoát nghèo bền vững?
Xã Gia Thanh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác giảm nghèo. Xã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể chịu trách nhiệm giúp đỡ gia đình hội viên nghèo. Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của mình, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… đều linh động, sáng tạo và chủ động trong cách hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo như: hỗ trợ giống, vốn, kiến thức…
Từ sự hỗ trợ thiết thực này, nhiều hộ nghèo đã vươn lên, điển hình như gia đình ông Bùi Xuân Danh ở xóm 3, thôn Phương Đông. Gia đình ông Danh có hai người con đang tuổi đến trường, vợ chồng ông làm nông nghiệp nhưng lại hay đau yếu. Thành thử, đã cố gắng mà gia đình ông vẫn nằm trong tốp cận nghèo.
Năm 2013, chẳng hiểu do "vận hạn" thế nào mà cả hai ông bà lần lượt ốm. Tiền thuốc men, đi viện, rồi tiền cho con ăn học thì nhiều, trong khi hai vợ chồng ông ở viện còn nhiều hơn ở nhà, chẳng làm được việc gì để có thêm thu nhập. Vậy là năm 2013 gia đình ông rớt xuống tốp nghèo của xã.
Được phân công giúp đỡ gia đình ông Danh, Hội Phụ nữ xã cử hội viên đến tận nhà giúp đỡ gia đình việc cấy cày mùa vụ và chia sẻ việc chăn nuôi giúp đỡ gia đình. Hội Nông dân hỗ trợ vốn để gia đình ông Danh đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn, bò. Việc chăn nuôi thuận lợi, mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định, chỉ một năm sau gia đình ông Danh đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với phương châm "cho cần câu hơn cho xâu cá", công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là vào thời điểm nông nhàn được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững. Theo đó, căn cứ vào nhu cầu của người lao động, thế mạnh của địa phương, tính riêng từ đầu năm đến nay, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Gia Viễn đã mở được 2 lớp dạy nghề thêu ren cho trên 70 lao động nông thôn. Sau khi học, các lao động đều có việc làm với mức thu nhập ổn định từ 1-2 triệu đồng/người/tháng.
Địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư, ưu tiên những đơn vị phát triển ngành nghề có thể tạo việc làm cho lao động địa phương như: cơ khí, sửa chữa nhỏ, nghề mộc, nề, thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, ở địa phương có 3 đơn vị khai thác vật liệu xây dựng là Thành Thắng, Phúc Lộc, Xuân Thịnh. Những đơn vị này giải quyết việc làm cho trên 300 lao động với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, với lợi thế là gần Khu công nghiệp, hiện toàn xã có trên 700 lao động trẻ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Gián Khẩu với mức lương ổn định từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Sẵn cơ hội tìm việc làm ở ngay tại địa phương, bởi vậy, nhiều năm qua lực lượng lao động nông thôn ở Gia Thanh khá ổn định, rất ít trường hợp phải ly hương tìm việc.
Bài, ảnh: Thu Hằng