Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết, khoảng 2 tháng nay (6 và 7/2020), số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại Bệnh viện tăng cao. Bình quân mỗi ngày, có từ 15-20 bệnh nhân nhập viện do mắc tay chân miệng. Tại phòng khám, hàng ngày có trên 50 bệnh nhân đến khám nghi ngờ có các triệu chứng nhiễm bệnh tay chân miệng. Đây là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, chủ yếu qua đường tiêu hóa, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh gặp rải rác quanh năm, ở hầu hết các địa phương. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, các trường hợp mắc tay chân miệng năm nay có xu hướng mắc nhiều vào tháng 6 và tháng 7, muộn hơn thời điểm đỉnh dịch các năm thường vào tháng 3 đến tháng 5. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em nghỉ học từ đầu năm tránh dịch, từ đó thời điểm dịch xuất hiện cũng có sự thay đổi. Nguyên nhân khác có thể do thời tiết có những diễn biến phức tạp, dễ xuất hiện và lây lan bệnh dịch trong cộng đồng. Điều đáng mừng là 100% các trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận đều có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ, với các biểu hiện sốt, phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, xung quanh miệng, đầu gối, loét miệng, trẻ quấy khóc, chán ăn... được điều trị tích cực trong thời gian 7-10 ngày là có thể khỏi bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 186 trường hợp mắc tay chân miệng tại 8/8 huyện, thành phố. Tính riêng từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến với 185 trường hợp. Trong đó, riêng tháng 7/2020, có 159 trường hợp mắc. Số ca mắc cao nhất tại huyện Yên Mô, với 87 trường hợp; tiếp đó là thành phố Ninh Bình với 30 trường hợp. Trong tháng 7, có 3 ổ dịch: ổ dịch 1, ở xã Yên Hưng (huyện Yên Mô), ghi nhận 46 trường hợp; ổ dịch 2, ở xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), ghi nhận 2 trường hợp và ổ dịch 3, ở xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), ghi nhận 3 trường hợp. Đến thời điểm cuối tháng 7, các ổ dịch đều không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng.
Trước tình hình trên, với phương châm không chủ quan với dịch, ngành Y tế tỉnh đã đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi mắc và đã mắc bệnh, kịp thời có phương án xử lý nhanh, phòng, chống lây lan ra cộng đồng. Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh tay chân miệng, sản xuất và cấp phát 9.000 tờ rơi và 500 áp phích về phòng chống bệnh tay chân miệng đến các cơ sở y tế và cộng đồng. Đồng thời, trong quá trình điều tra, giám sát, thực hiện truyền thông nói chuyện trực tiếp tại cộng đồng và cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tăng cường phối hợp với các cơ sở điều trị trên địa bàn trong việc điều tra, giám sát, tổ chức cách ly điều trị, hạn chế tối đa hiện tượng lây chéo trong bệnh viện. Thêm vào đó, ngành Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại trường học, nhất là tại các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ...
Theo các bác sĩ, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, do đó việc phòng bệnh cần được quan tâm, chú trọng. Bệnh này tuy diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu như: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Khi sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Các tổn thương ở da dễ nhận biết là: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm, để được hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Ngành Y tế dự báo, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền. Do vậy, nên hạn chế đưa trẻ đến nơi tập trung đông người, đồng thời cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ. Đối với trẻ mắc bệnh, thực hiện cách ly tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi trẻ em chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Cùng với đó, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, an toàn để tăng sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật...
Bài, ảnh: Hạnh Chi