Tại khoa Nam - Bệnh viện Tâm thần tỉnh đang điều trị cho gần 60 bệnh nhân, trong đó có tới 50% bệnh nhân được xác định là loạn thần do rượu. Đáng lo ngại, đa số các ca bệnh cấp cứu loạn thần, hoang tưởng do rượu vào cấp cứu tại Bệnh viện trong độ tuổi lao động, từ 30 đến 50 tuổi. Trường hợp của bệnh nhân Đỗ Văn Thuấn, xã Khánh Vân (Yên Khánh), mới gần 40 tuổi nhưng do uống nhiều rượu nên nhìn như một người 60 tuổi. Bệnh nhân Thuấn mỗi ngày uống hơn 1 lít rượu, với thời gian nghiện rượu nhiều năm nay. Thời gian gần đây, bệnh nhân vật vã than thở như có ròi bọ trong đầu, luôn ảo giác có ai đuổi đánh mình nên chửi bới, đánh đập người thân và tự đập đầu mình vào tường. Gia đình phải nhờ công an can thiệp để nhập viện tâm thần điều trị. Sau 3 tuần điều trị tích cực, hiện sức khỏe bệnh nhân tạm ổn, nhưng tinh thần vẫn lơ mơ, nói nhảm.
Bà Mai Thị Thấm, xã Yên Phong (Yên Mô) chăm chồng nghiện rượu bị loạn thần tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh nhập viện lần này là lần thứ 3. Bà Thấm cho biết, trước đây chồng bà - ông Vũ Văn Tuấn nghiện rượu nặng, 2 năm nay tuy đã bỏ rượu nhưng hệ lụy của rượu thì quá mệt mỏi cho bà và người thân. Mắc chứng bệnh loạn thần, ông Tuấn ghen tuông vợ với tất cả mọi người đàn ông, từ già đến trẻ, không cho bà Thấm đi làm bất cứ việc gì, luôn đòi bà phải ngồi cạnh và ở nhà cùng ông. Nếu không thấy bà Thấm ở nhà, ông đi tìm bà mọi nơi và đánh đập vợ không thương tiếc. Hiện không làm được việc gì, nhưng ông cũng không cho vợ đi làm việc đồng áng nên cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn.
Bác sĩ Lâm Quang Hiếu, bác sĩ khoa Nam - Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể, làm suy giảm chức năng gan, thận... ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi. Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi Methanol và Andehyt có trong rượu sẽ tích lại trong máu. Nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa. Hiện nay, số người bị rối loạn tâm thần do rượu đang ngày càng gia tăng, báo động về một hiểm họa do rượu gây ra mà ít người nghĩ đến như: Biến đổi tâm thần, hoang tưởng, dễ bị kích động, cáu gắt, ghen tuông… dẫn đến những hành vi tiêu cực, nguy hiểm.
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Lâm Quang Hiếu, thực tế hiện nay, rượu là chất gây nghiện hợp pháp, mọi việc mua bán và uống rượu khá dễ dàng, không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nào. Hơn nữa, việc sử dụng rượu, bia còn được coi là một hình thức giao lưu, làm ăn nên rất dễ dẫn đến tình trạng gây nghiện. Đa phần người nghiện chỉ ngưng uống rượu khi đã có bệnh lý về thể chất hoặc tinh thần. Do đó, việc điều trị nghiện rượu không khó, nhưng để bệnh nhân bỏ hoàn toàn được rượu là điều rất khó. Có đến trên 70% bệnh nhân điều trị cai nghiện rượu rồi lại tái nghiện. Có những bệnh nhân vào viện điều trị đến lần thứ 3 và ngày càng trở nên bệnh nặng, sức khỏe kém do tái nghiện rượu nhiều lần. Vì vậy, việc điều trị loạn thần do rượu phải kiên trì, đòi hỏi sự hợp tác của gia đình và bệnh nhân cùng sự hỗ trợ của cả cộng đồng.
Để không tái nghiện, trước hết bản thân người nghiện cần có nghị lực và quyết tâm đoạn tuyệt với bia, rượu, sau đó là tuân thủ nghiêm chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sỹ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có quy chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ trong việc sản xuất, mua bán và sử dụng rượu, nhằm hạn chế thấp nhất các tác hại của rượu đối với sức khỏe con người. Quan trọng hơn, những người thân trong gia đình, bạn bè cần động viên, chia sẻ để người nghiện tránh xa rượu. Có như vậy, việc chống tái nghiện rượu mới đem lại hiệu quả lâu dài và không để lại những hậu quả đáng tiếc do việc lạm dụng rượu gây nên, tạo điều kiện để người nghiện hiểu được tác hại của rượu, bia, quyết tâm bỏ rượu, tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Hạnh Chi