Gia Sơn nằm ở phía đông bắc huyện Nho Quan, diện tích tự nhiên 750ha, với 7 thôn và dân số trên 4.000 khẩu. Là xã vùng bán sơn địa, địa hình không bằng phẳng, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa hoàn thiện nên việc đi lại, sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, hệ thống các nhà văn hóa, trạm y tế, trường học cũng còn thiếu và cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn vốn từ đấu giá đất không nhiều… Năm 2011, khi rà soát các tiêu chí để bắt tay vào xây dựng NTM, Gia Sơn mới đạt 3/19 tiêu chí.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Trịnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ngay từ đầu, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xã đã phối hợp cùng khối Mặt trận, các ban, ngành, các thôn tổ chức tốt công tác tuyên truyền. Vấn đề cốt lõi đó chính là làm sao cho người dân hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM để tự giác tham gia.
Các tổ chức đoàn thể địa phương cũng đồng thời tiến hành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như phát động dọn vệ sinh môi trường, cho vay vốn để xây dựng công trình nước sạch; chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng các mô hình cây, con có hiệu quả... Những hoạt động khởi đầu đầy tâm huyết này đã thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương.
Sau hơn 5 năm triển khai, cùng với sự đổi thay trong tư duy của mỗi người dân về trách nhiệm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Gia Sơn đã có nhiều khởi sắc. Toàn bộ hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã đã được cứng hóa, trong đó có trên 21km đã được đổ bê tông đạt chuẩn.
Từ nhiều nguồn kinh phí, địa phương cũng chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất, trường học. Đến nay, 3 trường học trên địa bàn đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trong đó trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. 4/7 thôn trong xã có nhà văn hóa đạt chuẩn.
Cùng với việc hoàn thành tốt nhóm tiêu chí "cứng" tạo nên diện mạo mới cho quê hương, Gia Sơn luôn quan tâm đến nhóm tiêu chí "mềm", đặc biệt là công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế mới trên địa bàn xã, đồng chí Đào Huy Phước, Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Địa hình phức tạp, việc canh tác gặp nhiều khó khăn, trước nay người dân Gia Sơn chỉ quen với cây sắn, cây ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Do vậy, định hướng cho bà con trồng cây gì, đầu ra như thế nào là điều mà cấp ủy, chính quyền xã hết sức trăn trở.
Tuy nhiên, được sự trợ giúp của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, nhiều mô hình cây, con mới đã được triển khai ở Gia Sơn, bước đầu cho kết quả khả quan như: mô hình con nuôi bản địa, mô hình trồng cam canh, cam Vinh, bưởi Diễn.
Đặc biệt, hiện nay xã đang triển khai hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp bằng việc kêu gọi doanh nghiệp Hà Thành ủng hộ 30 ca máy múc, tới tận các hộ giúp phá bỏ vườn tạp.
Sau đó sẽ hướng tới liên kết với 1 doanh nghiệp ở Hòa Bình trồng bưởi da xanh. Hiện đã có 29hộ đăng ký tham gia chương trình này với tổng diện tích đất chuyển đổi khoảng 8ha.
Bên cạnh đó, để chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, xã đã có nhiều chính sách ưu đãi để mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư.
Hiện, trên địa bàn xã có 5 doanh nghiệp đang hoạt động thu hút gần 500 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Gần đây nhất Công ty TNHH Daewang VINA chuyên may xuất khẩu cũng đã đi vào sản xuất.
Ông Hà Tuấn Việt, Giám đốc Công ty cho biết: Được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ về chính sách cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự… chỉ sau vài tháng, Công ty đã hoàn thiện việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc và đi vào hoạt động.
Hiện tại nhà máy đã vận hành được khoảng 20% công suất với hơn 100 công nhân đang làm việc, dự kiến sắp tới sẽ mở rộng quy mô lên 400-500 lao động.
Với những nỗ lực trên, hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của Gia Sơn đạt trên 90%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 28 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,8%. Rà soát các tiêu chí xã đã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng NTM.
Thời gian còn lại từ nay đến cuối năm, Gia Sơn sẽ phải hoàn thành các tiêu chí gồm giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm.
Riêng tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn do xã nằm trong khu vực giữa các xã Gia Thủy, Gia Lâm, Xích Thổ, đã có nhiều chợ, vì thế tiêu chí này chưa cấp thiết. Để hoàn thành các tiêu chí còn lại và duy trì hiệu quả những tiêu chí đã đạt được, địa phương đã có kế hoạch và lộ trình cụ thể.
Trong đó về giao thông, sẽ sớm triển khai việc xây dựng 500m tuyến đường trục xã từ ngã 3 đi Thanh Quyết - Đông Minh đến ngã 3 Đồi Chùa; 2 tuyến đường trục thôn quan trọng là tuyến Đồi Lim và tuyến liên xã đi Thanh Quyết sẽ thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó dự kiến sẽ huy động sức dân khoảng 800 triệu đồng.
Về tiêu chí nhà văn hóa, xã sẽ vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, thực hiện xây dựng theo kế hoạch…
Với tiêu chí hộ nghèo qua rà soát xã có 98 hộ nghèo, thì có tới 65 hộ được bảo trợ xã hội, do vậy nếu theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp &PTNT tỷ lệ hộ nghèo sẽ chỉ còn 3,2%. Để giảm xuống dưới 2% trong thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện tốt chính sách về vay vốn, phát triển sản xuất, tạo điều kiện để các hộ nghèo sớm thoát nghèo.
Còn tiêu chí về môi trường, xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hộ trên địa bàn thực hiện xây dựng 3 công trình vệ sinh: nhà xí, hệ thống nước sạch, nhà tắm và hố xử lý rác thải để đảm bảo tốt vệ sinh môi trường…
Như vậy, với sự đoàn kết của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin rằng Gia Sơn sẽ ghi tên mình vào danh sách các xã đạt chuẩn NTM cuối năm 2017.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu