Gia đình bà Phạm Thị Lợi ở xóm 4, xã Gia Sinh là một trong nhiều gia đình của xã thành công trong việc chuyển đổi nghề nghiệp sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án. Trước đây, gia đình bà có hơn một mẫu ruộng, cả gia đình chăm chỉ cấy cày song cũng chỉ đủ ăn. Năm 2006, diện tích ruộng của gia đình bà Lợi bị thu hồi để phục vụ dự án phát triển khu tâm linh chùa Bái Đính. Cũng như hơn 70% số gia đình bị thu hồi đất trong xã, gia đình bà không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nhưng nhờ có sự định hướng của xã, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và doanh nghiệp làm du lịch nên cả gia đình tôi đều được tạo việc làm.
Tôi làm nhân viên dọn vệ sinh ở khu du lịch, ông nhà tôi trông giữ xe, vợ chồng con trai tôi còn trẻ nên được đào tạo làm hướng dẫn viên du lịch ở chùa Bái Đính… Cả gia đình tôi đều có việc làm, mức thu nhập ổn định và cao hơn trồng lúa rất nhiều"- bà Lợi phấn khởi cho biết.
Đồng chí Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Sinh cho biết, là xã thuần nông và là địa phương nghèo nhất của huyện Gia Viễn với tỷ lệ hộ nghèo có năm lên tới trên 16%, bởi vậy khi bị thu hồi tới trên 70% diện tích đất nông nghiệp phục vụ dự án, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã không tránh khỏi băn khoăn.
Địa phương xác định, đây vừa là cơ hội, song cũng là thách thức lớn. Nếu việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế không phù hợp với sự thích nghi, trình độ và sự nhanh nhạy của người dân thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ rất cao, đời sống nhân dân về lâu dài sẽ gặp khó.
Bởi vậy, ngay từ khi có quyết định thu hồi đất, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Xã luôn đồng hành để chia sẻ khó khăn, giải đáp các vướng mắc, đặc biệt là có sự tư vấn kỹ cho nhân dân về cách lựa chọn nghề phù hợp.
Xác định phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của xã, xã phối hợp với các đơn vị liên quan liên tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ làm du lịch, lớp hướng dẫn viên du lịch, lớp dạy nấu ăn, dạy chụp ảnh… cho các đối tượng lao động trong độ tuổi phù hợp, từ đó, người dân có thêm kiến thức, ý thức và kỹ năng trong làm du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 48 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, có hơn 1.000 lao động bán hàng ở khu vực chùa Bái Đính, hơn 70 người làm nghề hướng dẫn viên du lịch, hơn 200 người làm nghề chụp ảnh và 200 người lái xe điện và làm lễ tân, nhân viên vệ sinh, trông giữ xe…
Thu nhập từ làm du lịch của các lao động ở Gia Sinh khá ổn định, cao hơn nhiều lần so với làm ruộng, bà con nhân dân rất phấn khởi. Đối với những lao động không làm du lịch, xã phối hợp với các đoàn thể tổ chức lớp dạy nghề đan bèo bồng. Đến nay, hơn 100 lao động đang duy trì nghề với mức thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng, rất ít lao động của xã phải đi làm ăn xa.
Tuy cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, nhưng địa phương cũng xác định không để hoang hóa diện tích đất nông nghiệp. Hiện nay, xã vẫn còn 100 ha đất nông nghiệp. Đối với diện tích đất này chủ yếu nằm ở xóm 1 và 2. Xã động viên người dân còn ruộng tích cực dồn điền, đổi thửa, phát triển mô hình sản xuất lúa-cá để tăng năng suất, thu nhập trên diện tích canh tác.
Đặc biệt, đối với rừng sản xuất, địa phương tạo điều kiện cho nhân dân thầu để phát triển các mô hình kinh tế mới. Nhiều mô hình của người dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình của anh Nguyễn Văn Hoàn. Được chính quyền địa phương cho đấu thầu 1 ha rừng sản xuất, anh Hoàn đã trồng giống keo tai tượng kết hợp với bưởi xanh. Mặc dù keo từ 5 - 7 năm mới cho thu hoạch nhưng năm nào gia đình anh cũng có nguồn thu nhập ổn định từ cây màu dưới rừng keo.
Ngoài ra, anh Hoàn còn kết hợp nuôi thêm gia súc như bò, dê, ong mật. Lấy ngắn nuôi dài, thu nhập từ rừng đã cải thiện đáng kể cuộc sống cho gia đình anh Hoàn.
Đồng chí Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Sinh cho biết thêm, để giúp người dân phát triển kinh tế rừng hiệu quả, hàng năm xã đều phối hợp tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, cách kết hợp trồng rừng xen kẽ với cây ngắn ngày và chăn nuôi nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trên diện tích đất rừng canh tác.
Đồng thời, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, người dân đã phát huy tính sáng tạo, mạnh dạn kết hợp trồng rừng với chăn nuôi, trồng các loại cây ngắn ngày xen kẽ.
Nhiều gia đình còn chuyển đổi sang phát triển các cây trồng, con nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng, con nuôi truyền thống…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 3,1%; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm gần 50%.
Đào Hằng