Bác Hoàng Văn Phúc ở xóm 6 đang chuẩn bị nilon để che phủ diện tích mạ vừa gieo cho biết: "Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi cấy 5 sào, sau khi mua giống từ HTX nông nghiệp Gia Sinh, gia đình đã ngâm ủ theo đúng quy trình, kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn. Bên cạnh đó, gia đình còn tập trung nhân lực làm đất để chuẩn bị gieo cấy, phấn đấu xong trước Tết Nguyên đán. Cũng theo bác Hoàng Văn Phúc, đây là vụ lúa đông xuân thứ 2 nông dân trong xã thực hiện gieo cấy trước khung thời vụ của huyện để có thời gian làm dịch vụ du lịch. Năm nay, mặc dù giá nilon che phủ mạ tăng hơn năm trước 2.000 đồng/kg (49.000 đồng/kg) nhưng nông dân vẫn đầu tư mua để che phủ mạ bởi đây là phương pháp khoa học, đảm bảo tỷ lệ mạ nẩy mầm.
Ngay sau khi kết thúc vụ hè thu, xã đã chỉ đạo bà con nông dân bắt tay ngay vào việc củng cố bờ vùng, bờ thửa, cải tạo đất; vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ, tàn dư thực vật để hạn chế nguồn sâu bệnh gây hại; tranh thủ cày ải, sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Đồng thời tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, sử dụng hợp lý nguồn nước để đảm bảo lượng nước tưới cho toàn vụ. HTX cử cán bộ xuống các thôn để đôn đốc, hướng dẫn nhân dân thực hiện sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật. Theo lịch thời vụ, xã bắt đầu gieo cấy từ 10-1-2014 và kết thúc vào trước Tết Nguyên đán. Còn diện tích ở ngoài đê sẽ hoàn thành gieo cấy xong trước 20-1. Lịch gieo cấy này sớm hơn 1 tuần so với lịch gieo cấy của huyện Gia Viễn.
Đất ở đây không thuộc diện "bờ xôi ruộng mật" như nơi khác nên năng suất thường không cao, vụ mùa thường bấp bênh do nằm trong vùng ảnh hưởng lũ sông Hoàng Long. Những năm gần đây, khi Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính đưa vào khai thác, nhiều người nông dân ở Gia Sinh đã chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Do đó những tháng sau Tết Nguyên đán được xem là "tháng củ mật" của người Gia Sinh nên nhiều nhà không mấy mặn mà với ruộng đồng. Do đó, đã có năm khi bước vào sản xuất vụ đông xuân (sau Tết) nhiều hộ đã bỏ đất hoang. Nắm bắt được tâm lý chung đó, cũng như khắc phục những khó khăn trong sản xuất, trong 2 năm gần đây, xã đã điều chỉnh lịch sản xuất vụ đông xuân cho phù hợp (hoàn thành việc gieo cấy xong trước Tết Nguyên đán). Đồng thời lựa chọn các loại giống lúa có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với đồng đất địa phương.
Ông Bùi Huy Thảo, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Gia Sinh cho biết: Các giống lúa như: lúa lai Nhị ưu 838, lúa chất lượng cao được đưa vào gieo trồng do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Việc điều chỉnh này bước đầu đã phát huy được hiệu quả nhất định, năng suất lúa của Gia Sinh đã tăng cao. Cụ thể, vụ đông xuân 2011-2012, năng suất bình quân của toàn xã đạt 59,6 tạ/ha và đến vụ đông xuân năm 2013 đạt 63,7 tạ/ha, đây cũng là vụ có năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay ở Gia Sinh và cao hơn so với bình quân chung của toàn huyện. Đặc biệt, việc điều chỉnh lịch đã giúp cho bà con nông dân tham gia cấy 100% diện tích, không còn đất bỏ hoang.
Từ kết quả của vụ đông xuân 2011-2012, vụ đông xuân năm nay, Gia Sinh phấn đấu gieo trồng 238 ha, trong đó khuyến khích nông dân mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa cao sản đạt 60-70% diện tích. Một phần diện tích ở những vùng trũng, thùng đào, thùng đấu, vùng ngoài đê gieo cấy bằng trà xuân sớm để thu hoạch tránh ngập úng do lũ tiểu mãn. Ngoài ra, để phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân, HTX nông nghiệp
Gia Sinh đã cung ứng 3 tấn lúa giống, trong đó có trợ giá của Nhà nước từ 2.000-4.000 đồng/kg lúa giống cho nông dân. Đồng thời phát động các xã viên tham gia diệt chuột; cung ứng thuốc BVTV, tăng cường phổ biến kỹ thuật gieo mạ bằng phương pháp che phủ ni lon, kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa cho nông dân… Ngoài ra, HTX và các xã viên đã đầu tư 9 máy làm đất, góp phần giải phóng sức lao động, đẩy nhanh tiến độ làm đất, đảm bảo sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc