Từ ngày 8/1, là bắt đầu những ngày rét đậm, rét hại hơn cả trong mùa đông năm nay. Thời tiết rét lạnh và là ngày nghỉ, vào các buổi sáng ngày thứ 7 và chủ nhật, do không phải đi học và đi làm, các tuyến đường trên địa bàn thành phố Ninh Bình thưa vắng người đi lại. Chỉ số ít người bắt buộc phải ra đường sớm thì kín mít từ đầu đến chân, trang bị đầy đủ các loại quần áo, găng tay, mũ mão... nhằm chống lại giá rét. Có những người di chuyển nhiều trên đường, phải dùng thêm áo mưa để che chắn bớt cái giá rét.
Các quán ăn, quầy hàng, chợ... cũng thưa thớt người giao dịch. Chợ truyền thống Nhà máy điện, phường Thanh Bình thường ngày cuối tuần luôn sôi động, đông đúc kẻ mua, người bán, nhưng đầu giờ buổi sáng ngày nghỉ chỉ lác đác người đi chợ. Chị Trần Thị Tươi, một người buôn bán hoa quả, co ro sắp xếp gọn các thùng cam, quýt, táo, ổi..., cho biết, thời tiết rét đậm và lại vào ngày nghỉ cuối tuần nên nhiều người ngại đi, chợ vắng hẳn. Các mặt hàng hoa quả cũng bán chậm hơn do rét buốt, người dân cũng ít có nhu cầu.
Tại một quán ăn sáng trên đường Đinh Tiên Hoàng, thường ngày đông khách ăn uống đến không có chỗ để xe, nay thưa vắng hẳn. Anh Trần Văn Chiến, chủ quán chia sẻ, từ sáng đến giờ mới có hơn chục khách ăn sáng, chỉ bằng 1/10 ngày bình thường. Quán lại mở rộng thêm một phần bên ngoài làm nơi phục vụ, thành ra gió thông thống, ai cũng ăn vội vàng rồi nhanh chóng dời đi. Chúng tôi dậy làm hàng từ gần 4h sáng, rét cắt da cắt thịt, giờ bán chậm thế này cũng có chút lo lắng...
Thời tiết giá rét cũng làm ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động. Anh Đinh Văn Sáu, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) ngoài làm bảo vệ theo ca cho một doanh nghiệp, còn tranh thủ chạy thêm xe ôm nuôi hai con đang tuổi ăn học, than thở, trời rét đậm nên khách ít hẳn hoặc chuyển sang đi taxi cho đỡ lạnh, thành ra thu nhập của anh giảm đáng kể... Không trực chờ khách thì không yên tâm, mà ngồi chờ đợi thì rét buốt đến tận óc, mà cũng rất ít khách đi...
Rét đậm khiến các mặt hàng chống rét như đèn, quạt, túi sưởi hay chăn điện, quần áo, mũ khăn... đều có khá đông người mua bán. Tại khu vực chợ Rồng, chiều ngày 9/1, các cửa hàng bán quần áo đều rất đông người đến mua thêm quần áo cho mình và người thân. Chị Trần Thị Kim Chi, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) chọn thêm các loại quần lông, nỉ, áo giữ nhiệt, tất chân tay, mũ đội đầu... cho bố mẹ hai bên và chồng con cho rằng, rét đậm khiến nhiều người không kịp xoay sở, cứ nghĩ chỉ như các đợt lạnh trước đây, không ngờ lại rét đậm, rét hại đến như vậy...
Thời tiết khắc nghiệt cũng phần nào ảnh hưởng tới việc học của các em học sinh, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Tại trường mầm non Nam Thành, ngày đầu thời tiết chuyển rét đậm (8/1), cả trường chỉ có vài chục học sinh đi học. Có những lớp, chỉ có vài em do bố mẹ vẫn phải đi làm không có người trông. Toàn trường có khoảng 20% học sinh đi học. Đối với các bậc học khác, do giá rét, tỷ lệ học sinh đến trường muộn giờ gia tăng, số học sinh ăn bán trú tại trường giảm đáng kể so với những ngày trước đó...
Đặc biệt, rét đậm rét hại với nền nhiệt độ xuống thấp khiến nhiều người mắc bệnh, trong đó chủ yếu là đối tượng người cao tuổi và trẻ em. Số bệnh nhân cao tuổi nhập viện tại các khoa Đột quỵ, Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh và trẻ em cấp cứu, điều trị tích cực tại các khoa Nội nhi, Tiêu hóa, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh tăng 20-30%. Trong đó, nguyên nhân chính là do thời tiết chuyển rét đậm.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, thời tiết rét đậm, rét hại, với nền nhiệt rất thấp, việc bảo vệ sức khỏe rất quan trọng với mỗi người, bằng cách giữ ấm cơ thể, giữ ấm nhà cửa, không đi tập thể dục quá sớm, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng… Đặc biệt, nhiều người vẫn giữ thói quen tập thể dục ngoài trời từ sáng sớm, cần nhanh chóng thay đổi để tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm, trong đó có đột quỵ não, đột quỵ tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dễ để lại di chứng suốt đời...
Theo dự báo, thời gian tới, sẽ tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại, với không khí lạnh tăng cường, đòi hỏi người dân phải theo dõi, nắm bắt được diễn biến tình hình thời tiết. Từ đó có các biện pháp đối phó, chủ động phòng chống, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt thường ngày, giữ gìn sức khỏe cho mình và người thân.
Bài, ảnh: Hạnh Chi